• Sydney: Tưởng Niệm Ngày 30 tháng Tư năm 2023

  • Melbourne: Viện Bảo Tàng Việt Nam Tái Khởi Công ngày 26-02-2022

  • Sydney: Lễ Tưởng niệm Thiếu Tướng Lê Minh Đảo ngày 19-03-2022

  • Wollongong: Diễn hành Ngày ANZAC - 25-04-2022

  • Sydney: Tưởng Niệm Ngày 30 tháng Tư năm 2022

  • Ngày Quân Lực 19/06/2019 ở San Diego

  • Canberra: 44 năm Quốc Hận - 30/04/2019

  • Canberra: 44 năm Quốc Hận - 30/04/2019

Copyright 2024 - Người Việt Ly Hương - Úc Châu

Thành Phố Brimbank ở Melbourne Công Nhận Cờ Vàng

Vừa bước vào bên trong là đã thấy Cờ Vàng chiếm ngự cả phòng họp. Không còn chổ ngồi, chổ đứng cũng hạn chế cho nên một số người đã phải ra bên ngoài nhìn vào và ngóng tai theo dõi buổi họp. Mọi người đều căng thẳng, chờ đợi Hội Đồng Thành Phố (HĐTP) Brimbank đưa ra bàn thảo và biểu quyết đề mục "12.2 - Vietnamese Heritage Flag" nằm trong nghị trình của buổi họp HĐTP tối Thứ Ba, 16/04/2019.

Vì nhận thấy mọi người đều trông ngóng, hồi hộp chờ đợi phần bàn thảo và biểu quyết công nhận Cờ Vàng, bà Lucinda Congreve (Thị Trưởng Thành Phố Brimbank) đã có những lời lẽ ưu ái đối với cử tọa người Việt khi bước sang đề mục 12.2.

Trước khi đi vào phần biểu quyết, các Nghị Viên được mời lên tiếng, phát biểu với những lý lẽ ủng hộ hoặc không ủng hộ việc công nhận Cờ Vàng như là một biểu tượng cho cộng đồng người Việt.

Nghị Viên Phạm Duyên Anh đã đưa ra dữ kiện về sự "biệt tích" các tập truyện của nhà văn Duyên Anh tại Việt Nam nhưng lại có mặt trong các thư viện ở Úc để đi đến kết luận là sống ở Úc người dân có được sự tự do ngôn luận và tự do nói chung. Cũng vì thế CĐNVTD/VIC cùng với sự hỗ trợ của một danh sách thật dài các tổ chức, hội đoàn, đoàn thể, tôn giáo, cơ quan, cơ sở thương mại,... đã gởi thư bày tỏ nguyện vọng mong muốn HĐTP Brimbank công nhận Cờ Vàng như là biểu tượng của sự tự do và của cộng đồng người Việt - là một cộng đồng, theo thông kế năm 2016, có cư dân (gốc Việt) chiếm trên 13% dân số của thành phố Brimbank.

Tưởng cũng cần nói rõ Nghị Viên Phạm Duyên Anh là người đã chính thức đưa kiến nghị công nhận Cờ Vàng vào nghị trình của HĐTP qua một thông báo (Notice of Motion) trong buổi họp vào tối 19/03/2019. Để hỗ trợ cho kiến nghị công nhận Cờ Vàng, Nghị Viên Duyên Anh đã nêu lên kinh nghiệm quá hải hùng và cái giá phải trả của một người cô/dì trên đường đi vượt biển tìm tự do. Vì cứ bị ám ảnh mãi cho đến bây giờ cho nên người cô/dì của Nghị Viên Duyên Anh đã cương quyết từ chối bước chân xuống tàu cho dầu là tàu du lịch. Ngoài ra cô còn được nghe vô số các câu chuyện vượt biên, vượt biển thương tâm từ người thân và các cư dân trong vùng đã làm cô phải chùng lòng, suy nghĩ.

Cũng trong buổi họp 19/03/2019, Nghị Viên Trương Thiên Kim, Nghị Viên Virginia Tachos và Nghị Viên John Hedditch cũng đã lên tiếng hỗ trợ cho kiến nghị công nhận Cờ Vàng được đưa ra bàn thảo và biểu quyết.

Trở lại với buổi họp 16/04/2019, tiếp theo sau Nghị Viên Phạm Duyên Anh là phần phát biểu của Nghị Viên Trương Thiên Kim, Nghị Viên Virginia Tachos, Nghị Viên Georgina Papafotiou, Nghị Viên Margaret Giudice, Nghị Viên John Hedditch, Nghị Viên Sam David.

Tuy không được khoẻ nhưng Nghị Viên cũng đã cố gắng trình bày về những lý do tại sao cô và nhiều người khác hưởng ứng lời kêu gọi của Nghị Viên Duyên Anh đồng lòng hỗ trợ kiến nghị công nhận Cờ Vàng. Nghi Viên Thiên Kim nói về thảm cảnh vượt biên, vượt biển và chia sẻ về chuyến đi kinh hoàng của cô - cô đã lênh đênh trên biển cùng với 506 người khác, bị hải tặc Thái Lan chặn cướp 6 lần, và lạc vào hoang đảo 1 tháng trời không thức ăn ... Trong khi đó ở nhà (Việt Nam), vì nóng lòng trông ngóng tin con quá lâu, mẹ của cô cứ nghĩ rằng chuyến đi của cô đã gặp phải những điều không may do đó khi nghe tin bất cứ ở đâu có người vượt biển tử nạn trôi dạt vào bờ là bà vội vàng tìm đến để kiếm xác con ... Và mãi cho đến nay vẫn còn có những người đi tìm kiếm tin tức của người thân đã bị mất tích, vẫn còn có những người bị ám ảnh, khủng hoảng tâm lý ... Nghị Viên Thiên Kim xin HĐTP thấu hiểu cho những nổi thống khổ của người Việt tỵ nạn (trong quá khứ) và nhìn nhận những sự đóng góp lớn lao cho xã hội (trong hiện tại) để đáp ứng nguyện vọng công nhận Cờ Vàng của cộng đồng người Việt.

Nghị Viên Virginia Tachos cho rằng Cờ Vàng là một phần rất quan trọng của căn cước người Việt tỵ nạn (The Co Vang flag is a significant part of the identity of the Vietnamese people living in Australia), là biểu tượng cho công cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Cuộc chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt với một cuộc khủng hoảng tỵ nạn khổng lồ. Cờ Vàng không phải là lá cờ của một quốc gia, đối với dân cư người Úc gốc việt Cờ Vàng không chỉ biểu tượng cho căn cước của một cộng đồng tỵ nạn mà còn tượng trưng cho khát vọng vươn đến những điều tốt đẹp. Đối với Nghị Viên Virginia Tachos, những câu chuyện vượt biển [mà cô đã từng được nghe từ các nhân chứng sống] đầy hiểm nguy, kinh hoàng để trốn khỏi những áp bức, bạo tàn của chế độ CSVN, đi tìm tự do, dân chủ đó chính là ý nghĩa thuần khiết của lá Cờ Vàng (... that is the essence, for me, the Cờ Vàng flag represents in my mind).

Nghị Viên Georgina Papafotiou cho rằng lá cờ là một biểu tượng thiêng liêng của một quốc gia, và cư dân ở tại thành phố Brimbank có nguồn gốc đến từ hơn 160 quốc gia, nếu chấp thuận cho treo Cờ Vàng thì sẽ tạo ra một tiền lệ, như vậy HĐTP cần phải có hơn 160 cột cờ để có thể treo cờ của tất cả các cộng đồng sắc tộc. Hơn nữa theo nghi thức ngoại giao thì chỉ có cờ quốc gia mới được treo tại các cơ quan công quyền do đó mặc dầu bà rất tôn trọng cộng đồng người Việt và ghi nhận những kinh nghiệm đau thương mà người Việt đã phải trải qua tuy nhiên bà không thể biểu quyết thuận nhưng cũng không biểu quyết chống kiến nghị công nhận Cờ Vàng (I cannot vote for but I won't vote against this recommendation).

Nghị Viên Margaret Giudice cho rằng cư dân gốc Việt chiếm đa số tại thành phố Brimbank đặc biệt cộng đồng người Việt chính là những người đã xây dựng và tham gia các tổ chức, hội đoàn, đoàn thể,... [nằm trong danh sách hỗ trợ kiến nghị công nhận Cờ Vàng] đã được Nghị Viên Phạm Duyên Anh xướng danh, cho nên, theo bà, cộng đồng người Việt xứng đáng được cho phép treo Cờ Vàng trong những ngày lễ văn hóa.

Nghị Viên John Hedditch nghĩ rằng Cờ Vàng không phải là một lá cờ quốc gia mà là một lá cờ di sản, lịch sử của cộng đồng người Việt tỵ nạn - một cộng đồng đã có những đóng góp cho đất nước Úc. Theo ông, HĐTP cần dành cho cộng đồng người Việt một địa điểm trang trọng để đứng [chào cờ] tưởng nhớ đến những người đi trước, nhớ lại những đoạn đường đã trải qua, và nghĩ về những điều tốt đẹp trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Những dịp treo lá Cờ Vàng là những dịp để kỷ niệm về di sản [văn hóa] và lịch sử.

Nghị Viên Sam David bày tỏ sự hỗ trợ kiến nghị công nhận Cờ Vàng qua sự cảm nhận về nổi kinh hoàng và thống khổ của người Việt tỵ nạn trên đường đi tìm tự do.

Nghị Viên Phạm Duyên Anh, một lần nửa, lên tiếng và nhấn mạnh rằng là Nghị Viên chúng ta phải hành động, thực hiện những điều mà cư dân mong muốn. Và như để giải thích cho Nghị Viên Georgina Papafotiou hiểu rõ về sự khác biệt giữa cờ quốc gia và cờ cộng đồng cũng như những quy tắc áp dụng cho việc treo cờ cộng đồng/hội đoàn, cô đưa ra các trường hợp về lá cờ của người Thổ Dân, người hải đảo Torres Strait, và cả những lá cờ mang tính chất biểu tượng như cờ "cầu vồng" (rainbow flag) của những người đồng tính ... đều được treo thường xuyên hay trong các ngày lễ quan trọng mà không cần phải xin phép. Như vậy thì không có lý do gì để từ chối việc treo Cờ Vàng - Cờ Vàng không phải là một lá cờ quốc gia mà là biểu tượng cho tự do và cho cộng đồng người Việt tỵ nạn.

Tất cả các nghị viên phát biểu đều nhận được các tràng pháo tay của đồng bào cho dầu là những lời phát biểu hỗ trợ hay không hỗ trợ cho kiến nghị công nhận Cờ Vàng. Điều này đã nói lên đa số người Việt tỵ nạn đã có một tinh thần dân chủ khá cao qua việc bày tỏ sự lắng nghe và tôn trọng những ý kiến trái chiều.

Sau cùng, bà Thị Trưởng Lucinda Congreve yêu cầu các nghị viên đưa tay biểu quyết - trong 11 nghị viên có tất cả 10 cánh tay đưa lên trong tiếng vỗ tay, reo hò, hoan hô của đồng bào. Tuy nhiên, hình như để muốn bày tỏ sự hỗ trợ mạnh mẽ của HĐTP Brimbank đối với kiến nghị công nhận Cờ Vàng trước sự có mặt đông đảo của cư dân gốc Việt, bà Thị Trưởng đã yêu cầu các nghị viên biểu quyết thêm một lần nửa bằng cách đứng lên (thay vì chỉ đưa tay), đây là một điều ngoại lệ và rất đặc biệt.

Nếu xét cho kỹ thì kiến nghị công nhận Cờ Vàng gồm có 2 phần - (1) công nhận Cờ Vàng là biểu tượng của cộng đồng người Việt, (2) treo Cờ Vàng vào những ngày lễ quan trọng của cộng đồng người Việt. Như vậy công tâm mà nói, theo lời giải thích của Nghị Viên Georgina Papafotiou thì bà không thể biểu quyết thuận cho phần (2) nhưng bà không biểu quyết chống phần (1) - có nghĩa là, một cách không chính thức, kiến nghị công nhận Cờ Vàng phần (1) đã được thông qua với số phiếu - 11/11 và phần (2) - 10/11.

Thành phố Brimbank là thành phố thứ tư công nhận Cờ Vàng, đầu tiên là thành phố Maribyrnong (20/10/2015), kế đến là thành phố Greater Dandenong (14/12/2015) và tiếp theo là thành phố Yarra (04/04/2017). Đây là bốn thành phố có những khu thị tứ sầm uất và đông dân cư người Việt nhất của tiểu bang Victoria.

Melbourne
16/04/2019

Buổi họp (19/03/2019) Thông Báo Kiến Nghị Cờ Vàng - https://www.youtube.com/watch?v=jDa30UY8oMw&feature=youtu.be

 


Buổi họp (16/04/2019) Biểu Quyết Kiến Nghị Cờ Vàng - https://www.facebook.com/100012130993807/videos/661403050940722

Bản tin trên báo Star Weekly - https://www.starweekly.com.au/news/vietnamese-cheer-flag-victory/pub/brimbank_north_west

Một số hình ảnh buổi họp Biểu Quyết Kiến Nghị Cờ Vàng - https://photos.app.goo.gl/rueeC6BK5DkUrc8Y9

Hình ảnh của cô Phúc An - https://photos.app.goo.gl/3NVoRc2CPyg16YzH9





















 

----

 


Vietnamese cheer flag victory

April 23, 2019 1:00 am
by  Tate Papworth   

 

The Co Vang will fly in Brimbank.


Rapturous applause reverberated through Brimbank’s council chambers last week as a large contingent of the Vietnamese community celebrated a council decision to allow the flag to be flown during times of special significance to the Australian-Vietnamese community.

The viewing gallery was standing room only as the community members showed up in force to watch the council decide to officially recognise the flag as a symbol of the Vietnamese-Australian community and its refugee experiences.

Cr Duyen Anh Pham said the flag symbolised the fight for freedom and democracy for many people from the former South Vietnam.

“Brimbank as a city has a significant portion of Australians of a Vietnamese background,” she said. “According to census figures, over 13 per cent of Brimbank residents have a Vietnamese background.

“Standing to be a councillor in local government, we act on what our people want and need and this is what our people want.”

Cr Georgina Papafotiou was the sole councillor to speak against the council officer recommendation to recognise the flag.

“In Brimbank, we have over 160 different nationalities, which means we have over 160 official flags,” Cr Papafotiou said.

“Each culture has significant days where their official flag could be flown and recognised.

“I have high respect for our Vietnamese community and recognise their struggles … but I will have to abstain from voting today which means I cannot vote for, but I won’t vote against, this recommendation.

“What we start doing for one culture within our municipality, we must do for all the other cultures.

“I have concerns that once we start flying one flag, it may create political issues with other cultures within our community.”

Cr Pham disagreed with Cr Papafotiou’s sentiments.

“The Co Vang flag is not a country flag, but it is a flag that the community who live in Brimbank believe in,” she said. “It’s a symbolic flag. It represents their call for freedom and identity.”

https://www.starweekly.com.au/news/vietnamese-cheer-flag-victory/pub/brimbank_north_west

 

 

 

Số trang đã đọc

Articles View Hits
914908

Số độc giả đang đọc

We have 38 guests and no members online