• Sydney: Tưởng Niệm Ngày 30 tháng Tư năm 2023

  • Melbourne: Viện Bảo Tàng Việt Nam Tái Khởi Công ngày 26-02-2022

  • Sydney: Lễ Tưởng niệm Thiếu Tướng Lê Minh Đảo ngày 19-03-2022

  • Wollongong: Diễn hành Ngày ANZAC - 25-04-2022

  • Sydney: Tưởng Niệm Ngày 30 tháng Tư năm 2022

  • Ngày Quân Lực 19/06/2019 ở San Diego

  • Canberra: 44 năm Quốc Hận - 30/04/2019

  • Canberra: 44 năm Quốc Hận - 30/04/2019

Copyright 2024 - Người Việt Ly Hương - Úc Châu

Bầu Chính Phủ Victoria 2018 và Ứng Cử Viên Gốc Việt

Có lẽ chưa bao giờ các cử tri gốc Việt lại tỏ ra quan tâm và thích thú đối với việc bầu cử như kỳ bầu cử chính phủ tiểu bang Victoria vừa qua, vào ngày 24/11/2018. Vì đây là lần đầu tiên có một số đông ứng cử viên gốc Việt ra tranh cử. Thượng Viện có Trương Việt Hương (Đảng Xanh) và TS Kiều Tiến Dũng (Đảng Lao Động), ở Hạ Viện có Trung Lưu (Đảng Tự Do), Kevin Trần (độc lập), Hùng Võ (độc lập?) và Nga Lý (độc lập?).


Mỗi lần có bầu cử, không riêng gì người Việt mà đa số cử tri đều "hăng hái" đi bầu chỉ vì sợ bị phạt. Điều này cho thấy dân Úc rất thờ ơ đối với vấn đề chính trị. Riêng người Việt thì cứ nghĩ rằng - có bầu cho ai hoặc chính phủ nào lên cũng không có gì thay đổi về đời sống nhất là về hệ thống an sinh xã hội (ví dụ như việc đóng thuế, medicare, tiền trợ cấp, các dịch vụ xã hội,...). Hơn nữa chính phủ (đảng) nào lên cũng vẫn là một chính phủ (thể chế) tự do, dân chủ cho nên cử tri người Việt ít khi quan tâm đến việc bầu cử ngoại trừ có "người nhà" ra ứng cử.

Còn người dân địa phương thì chỉ quan tâm đến những việc "trong nhà" và không mấy khi chú ý đến những chuyện quốc gia đại sự như vấn đề an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại, kinh tế,... do đó ở Úc mới có những đảng phái không giống ai, mới nghe tưởng như đùa, như "Đảng Công Lý cho Thú Vật" ("Animal Justice Party").

Đã không mấy thiết tha đến việc bầu cử cho nên đa số cử người Việt tri lại càng mù tịt về việc bầu cho ai (ứng cử viên Hạ Viện hay Thượng Viện) hay đảng nào thì có thể thay đổi chính phủ.

Tiểu bang Victoria được chia thành 8 vùng cử tri (Electoral Regions), mỗi vùng được bầu vào Thượng Viện 5 nghị sĩ. Trong mỗi vùng lại chia ra thành 11 khu cử tri (Electoral Districts) và mỗi khu được bầu vào Hạ Viện một vị dân biểu. Vị chi toàn tiểu bang Victoria có tất cả 40 nghị sĩ và 88 dân biểu được bầu vào Quốc Hội. Để thể hiện tính cách công bằng, việc chia ranh giới giữa các vùng và các khu được dựa trên sự "đồng đều" về mật độ cử tri, không chênh lệch nhau quá 10%.

Vì thể thức bầu cử chính phủ tại Úc không bầu trực tiếp cho một ứng cử viên Thủ Tướng mà việc thành lập chính phủ (đảng cầm quyền) được quyết định bởi số ứng cử viên dân biểu đắc cử - có nghĩa là đảng nào có đa số ứng cử viên được bầu vào Hạ Viện thì đảng ấy sẽ lên nắm chính quyền và vị Thủ Lãnh sẽ trở thành Thủ Tướng.

Do đó đối với các đảng tranh cử (để thành lập chính phủ), con số ứng cử viên đắc cử dân biểu chính là yếu tố quyết định. Điều này đòi hỏi các ứng cử viên tranh ghế dân biểu ở các khu cử tri phải dốc toàn lực vào việc vận động. Không chỉ vận động trong thời gian trước ngày bầu cử mà còn có thể là phải "vận động" nhiều năm tháng trước đó qua những buổi nói chuyện, tiếp xúc với cử tri, qua những đóng góp cho cộng đồng chính mạch, những thành quả, những sự tranh đấu cho quyền lợi của người dân,... Nói một cách khác là gương mặt và tên tuổi của ứng cử viên (dân biểu) phải là một người quen thuộc, được lòng đối với cử tri trong khu mình ra ứng cử và được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của đảng.

Tuy nhiên có những trường hợp ngoại lệ, có những ứng cử viên mới mẻ hay non trẻ, hoặc độc lập (không có sự hậu thuẫn của đảng) vẫn có thể thắng cử như trường hợp của Declan Martin ở Brighton trong kỳ bầu cử vừa qua. Declan Martin, 19 tuổi, vừa xong năm thứ nhất đại học, thuộc Đảng Lao Động chỉ thua sát sao ứng cử viên đối thủ (Đảng Tự Do) ở ngay tai khu cử tri có "truyền thống" bầu cho Tự Do. Tại vì cử tri tỏ ra chán nản, bất mãn đối với sự chia rẽ trong nội bộ của Đảng Tự Do trong khi đó Declan Martin là một gương mặt mới mẻ, trẻ trung đó là một số lý do đã đưa đến một kết quả đầy ngạc nhiên và khích lệ cho Declan Martin, mặc dầu không thắng cử.

Nói tiếp về vần đề vận động, xét ra khi các ứng cử viên dân biểu đi vận động là đã không những vận động cho chính mình mà đồng thời còn vận động một cách gián tiếp cho các ứng cử viên được đảng đề cử vào Thượng Viện. Như vậy, những ứng cử viên thượng viện, trên thực tế, không cần phải bỏ ra nhiều công sức đi vận động. Vì đối với cử tri một khi đã chọn hay đã được thuyết phục bầu cho ứng cử viên dân biểu A (vào Hạ Viện) thuộc đảng X thì 99% người cử tri đó, trên lá phiếu bầu cho Thượng Viện, cũng sẽ chọn đảng X. Có nghĩa là nếu ứng cử viên dân biểu thuộc đảng X được bầu thì đương nhiên các ứng cử viên thượng viện của đảng X cũng được chọn.

Trên phiếu hướng dẫn (how-to-vote cards), ví dụ của Đảng X, phát cho các cử tri đi bầu, chỉ cách bầu cho ứng cử viên dân biểu rất rõ ràng (đánh số 1 vào ô có tên và có hình kèm theo của ứng cử viên dân biểu). Nhưng phần bầu cho ứng cử viên nghị sĩ thì chỉ có đánh số 1 vào ô "Đảng X" mà không thấy hình và không biết tên những ứng cử viên nghị sĩ ấy là ai. Chính điều này đã gây hoang mang, lúng túng cho rất nhiều cử tri không rành về thể thức bầu cử vì không thấy tên và hình của ứng cử viên thượng việt nghị sĩ mà mình muốn bầu trên phiếu hướng dẫn. Như vậy cũng có thể nói ứng cử viên dân biểu là ứng cử viên "nổi" còn ứng cử viên nghị sĩ là ứng cử viên "chìm".


Một thí dụ về phiếu hướng dẫn bầu cho ứng cử viên hạ viện Richard Wynne (Đảng Lao Động) ở khu cử tri Richmond

Những ứng cử viên hạ viện nào được nhận số phiếu bầu trực tiếp (1st preference) cao nhất và trên 50% (quá bán) của tổng số phiếu (trong khu cử tri) thì coi như thắng cử. Nếu không có ứng cử viên dân biểu nào nhận được số phiếu quá bán thì thủ tục chia phiếu/dồn phiếu sẽ được thực hiện cho đến khi nào có người đạt được số phiếu quá bán. Thí dụ, khu cử tri Y có tổng số phiếu là 10, ứng cử viên A được 4 phiếu, B được 3 phiếu, C 1 phiếu, D 1 phiếu và E 1 phiếu. Không có ai nhận được số phiếu quá bán (trên 5 phiếu), cho nên theo thể lệ bầu cử, các ứng cử viên được ít phiếu nhất sẽ phải dồn phiếu của mình cho các ứng cử viên khác đã được chọn theo thứ tự ưu tiên. Giả sử ứng cử viên C, D và E đều chọn dồn phiếu cho ứng cử viên B, như vậy ứng cử viên B sẽ có 6 phiếu, quá bán, coi như thắng cử, còn ứng cử viên A mặc dầu có số phiếu bầu trực tiếp hơn ứng cử viên B nhưng lại thua đau. Thể lệ chia phiếu/dồn phiếu này đã gây ra nhiều sự bất mãn đối với các ứng cử viên và cử tri, hy vọng thể lệ bất công này sẽ được hũy bỏ trong tương lai.


Một thí dụ đơn giản về cách chia phiếu/dồn phiếu cho ứng cử viên vào Hạ Viện

Các ứng cử viên nghị sĩ được coi như đắc cử vào Thượng Viện khi có số phiếu đạt đến con "số ấn định" (quota). Con "số ấn định" được tính như sau - tổng số phiếu trong vùng cử tri (Electoral Region) chia cho số ghế nghị sĩ + 1. Ví dụ, trong kỳ bầu cử vừa qua, tổng số phiếu bầu hợp lệ của vùng Đông Nam Melbourne là 436977, như vậy con "số ấn định" là 436977 / (5 + 1) = 72 830. Nếu số người đắc cử (có số phiếu bầu đạt đến con "số ấn định") vào Thượng Viện chưa chiếm hết số ghế (5 ghế) nghi sĩ của vùng thì một công thức chia phiếu/dồn phiếu sẽ được áp dụng cho đến khi nào có đủ 5 ứng cử viên đắc cử Nghị Sĩ. Công thức chia phiếu/dồn phiếu này rất phức tạp, ngay cả các ứng cử viên cũng không hiểu rõ cho nên xin phép không đi vào chi tiết nếu không thì cả người viết lẫn người đọc đều tẩu hỏa nhập ma.

Kết quả bầu cử 2018 - Đảng Lao Động đã dành được một chiến thắng vẻ vang với 55/88 ghế dân biểu (Hạ Viện) và 18/40 ghế nghị sĩ (Thượng Viện). Trong số 6 ứng cử viên gốc Việt, TS Kiều Tiến Dũng là người được đắc cử vào Thượng Viện Quốc Hội Victoria với niềm hãnh diện của cộng đồng người Việt.

Tóm lại, đối với những ai muốn ra ứng cử thì nên gia nhập một đảng lớn, đồng thời phải có một quá trình sinh hoạt, đóng góp cho cộng đồng chính mạch để gây thiện cảm và đưa tên tuổi của mình đến với các cử tri. Ứng cử vào Hạ Viện, nhất là đối với các ứng cử viên độc lập hay thuộc các đảng nhỏ, sẽ có rất nhiều thách thức, khó khăn hơn các ứng cử viên nghị sĩ (vào Thượng Viện). Tuy nhiên, trong những khu cử tri nào mà cử tri tỏ ra chán ngán các ứng cử viên của các đảng lớn thì ứng cử viên độc lập và thuộc các đảng nhỏ có nhiều cơ may được trúng cử.

Dân số người Việt tại Victoria có trên 80 000 người nhưng ở rải rác khắp nơi cho nên con số cử tri người Việt thường không phải là một yếu tố quyết định mặc dầu việc hỗ trợ, tham gia, hăng hái đi bầu là một điều vô cùng khích lệ cho các ứng cử viên gốc Việt. Ví dụ, trong các khu cử tri mà xưa nay có "truyền thống" bầu cho đảng X thì cho dầu tất cả cử tri người Việt có bầu hay không bầu cho ứng cử viên thuộc đảng X cũng không làm thay đổi được kết quả vì tỉ lệ cử tri người Việt không đáng kể. Cho nên các ứng cử viên gốc Việt, nhất là ứng cử viên dân biểu, phải "trải đều" sự vận động trong vùng/khu cử tri chứ không chỉ quanh quẩn trong cộng đồng người Việt nhỏ bé của mình.

Các đảng phái, nhất là Đảng Lao Động đã học được một bài học khá chua cay khi, trước đây vì muốn lấy phiếu của khối cử tri người Việt, đã đề cử một người Việt ra ứng cử, và được đắc cử vào Thượng Viện, nhưng người này thiếu khả năng và đã gây ra quá nhiều tai tiếng. Có thể vì vậy mà Đảng Lao Động đã phải mất một thời gian dài để nghiên cứu, xem xét rồi mới đi đến quyết định đề cử, trong kỳ bầu cử 2018, một ứng cử viên người Việt có khả năng và uy tín - TS Kiều Tiến Dũng.

Cử tri người Việt cũng như cử tri của các sắc tộc khác thường ít nhiều gì cũng bầu theo "cảm tình" riêng - "cảm tình" đối với người có cùng gốc gác, cùng màu da, cùng tôn giáo,... Tuy nhiên, ngày nay, cử tri người Việt đã biết tìm hiểu về "tiểu sử" của các ứng cử viên gốc Việt chứ không phải cứ nhắm mắt bầu cho người Việt như trước đây.

Trong số những ứng cử viên gốc Việt của kỳ bầu cử vừa qua có hai người bạn trẻ - Trương Việt Hương và Trần Việt Quốc (Kevin Trần), tuy không đạt được kết quả mong muốn nhưng quyết định dấn thân phục vụ dân sinh bằng con đường chính trị là một tấm gương, một bước đi tiên phong, điều này sẽ lôi cuốn, thôi thúc các thế hệ trẻ tiếp bước, noi theo.

Vào ngày 19/12/201, TS Kiều Tiến Dũng đã làm lễ tuyên thệ chính thức nhậm chức Nghị Sĩ tại Quốc Hội Victoria là một niềm vinh dự cho cộng đồng người Việt Úc Châu nói riêng và cộng đồng người Việt tỵ nạn trên toàn thế giới nói chung.


Nghị Sĩ TS Kiều Tiến Dũng cùng gia đình và các thân hữu trong Tòa Nhà Quốc Hội Victoria

Trong lá "Thư Cám Ơn" Nghị Sĩ TS Kiều Tiến Dũng viết - "Quốc Hội Victoria kỳ thứ 59 đã được chính thức khai mạc vào thứ Tư 19/12/2018 vừa qua. Cá nhân tôi đã tuyên thệ vào dịp này, đảm nhận nhiệm vụ Thượng Nghị Sĩ cho 4 năm tới. Đây là một vinh dự cho cá nhân và gia đình chúng tôi. Đi đôi với đấy là trách nhiệm của tôi trong việc phục vụ, đại diện, và chuyển đạt tiếng nói của cộng đồng chính mạch và cộng đồng người Việt chúng ta nói riêng.", và ở cuối thư - "Nhân dịp cuối năm, kính chúc tất cả quý vị và gia quyến một Giáng Sinh và Năm Mới Hạnh Phúc, dồi dào Sức Khỏe và Bình An."

Phan Trâm Anh
(Mùa Giáng Sinh 2018)

 

Số trang đã đọc

Articles View Hits
915713

Số độc giả đang đọc

We have 14 guests and no members online