• Sydney: Tưởng Niệm Ngày 30 tháng Tư năm 2023

  • Melbourne: Viện Bảo Tàng Việt Nam Tái Khởi Công ngày 26-02-2022

  • Sydney: Lễ Tưởng niệm Thiếu Tướng Lê Minh Đảo ngày 19-03-2022

  • Wollongong: Diễn hành Ngày ANZAC - 25-04-2022

  • Sydney: Tưởng Niệm Ngày 30 tháng Tư năm 2022

  • Ngày Quân Lực 19/06/2019 ở San Diego

  • Canberra: 44 năm Quốc Hận - 30/04/2019

  • Canberra: 44 năm Quốc Hận - 30/04/2019

Copyright 2024 - Người Việt Ly Hương - Úc Châu

Phân Ưu, Phúng Điếu và Cúng Kiếng, Cầu Xin

Phân Ưu & Phúng Điếu

Đi chợ về, mở bọc giấy gói tôm cua ra thì thấy ngay đây là hai trang báo đăng Phân ưu và Cáo phó.

 

Hai trang báo đăng Phân ưu và Cáo phó


Buồn buồn! Buồn vì nghĩ rằng nếu đây là trang Phân ưu hay Cáo phó của người thân hay bạn hữu mà nay lại được dùng  làm giấy gói thức ăn thì quả thật đau lòng. Càng đau lòng hơn khi nghĩ đến những vùng mà đời sống còn nghèo khó, là  những nơi sách báo không chỉ được dùng làm giấy gói mà còn làm giấy vệ sinh sử dụng hàng ngày - làm đau lòng người  sống và cả người chết!

Trong các đám tang, ngoài mục Phân ưu chiếm trọn một trang báo còn có phần Phúng điếu các tràng hoa to lớn để bày tỏ  tình cảm, sự kính trọng đối với người quá cố và gia đình. Tuy nhiên cái khổ (size) của mục Phân ưu, cái giá của  tràng hoa Phúng điếu không phải là thước đo về mức độ nhiều ít của tình cảm hay lòng kính trọng. Đó là chưa nói đến  việc thời buổi bây giờ ít ai đọc báo giấy, cho nên sau khi đăng Phân ưu người đăng còn phải mua báo đến tặng cho gia  đình thân nhân của người quá cố để "chứng minh". Cũng như có những đám tang mà con số vòng hoa Phúng điếu lên đến  hàng chục hoặc nhiều hơn thì gia đình của người quá cố, trong lúc tang gia bối rối, không thể nào biết hết, nhớ hết  những người đã đi Phúng điếu nếu không có người phụ giúp gom góp các câu chia buồn gắng trên các vòng hoa để sau này  tiện việc cảm ơn.

Sự thật phủ phàng là các trang báo Phân ưu rồi sẽ trở thành giấy gói và các vòng hoa rồi sẽ thành rác ngay sau khi  đám tang kết thúc - một sự phí phạm và thiếu thực tế. Đó là cái thiếu thực thế và phí phạm của một nền văn hóa còn  xem nặng "bề ngoài", mang ít nhiều tính chất "phô trương" của người Việt Nam.


Các vòng hoa rồi sẽ thành rác ngay sau khi đám tang kết thúc


Ngày nay, người Việt, nhất là ở hải ngoại, đã bắt đầu học được cái tính đơn giản nhưng không kém phần trang trọng  của người Tây phương trong thủ tục ma chay - bỏ dần những mục Phân ưu & Phúng điếu tốn kém một cách vô lý.

Thiệp đám cưới được dùng để viết những lời chúc mừng cho tân giai nhân và tân lang, vậy thì tại sao chúng ta không  dùng thiệp đám tang (sympathy cards) để viết những lời chia buồn gởi đến cho gia đình thân nhân người quá cố thay  cho những trang Phân ưu khổ lớn hay những vòng hoa đắt giá mà ngay sau khi tang lễ chấm dứt là đã thành rác. (Ở các  nhà quàn thường có một cuốn "sổ chia buồn" để cho khách viếng viết vào đó những dòng cảm xúc của mình, tuy nhiên  thiệp đám tang vẫn có tính cách riêng tư hơn.) Chính những cái thiệp đám tang này sẽ được gia đình thân nhân người  quá cố cất giữ và sẽ được đem ra đọc khi mọi việc đã xong xuôi, khi nổi buồn đã lắng xuống, qua đi. Lúc bấy giờ  những lời chia buồn viết trong các thiệp đám tang, đơn giản, không tốn kém và không phô trương, sẽ có giá trị gấp  ngàn lần các vòng hoa hay các mục Phân ưu trên báo.

Trong cuộc sống hàng ngày có những điều vô lý, biết rõ là vô lý những chúng ta vẫn cứ làm.

Cúng Kiếng & Cầu Xin

Chết là hết! Đó là câu nói thường nghe khi đề cập đến cái chết hay đến người quá cố. Đối với người Tây phương thì  quả đúng "Chết là hết"! Người Tây phương không thờ cúng người quá cố - không cúng cơm, không cúng thất tuần, 100  ngày, không kỵ giỗ.

Nhưng đối với văn hóa người Việt, chết chưa hẳn là "hết" và chết cũng chưa chắc được "yên", vì người quá cố có thể  đang vui thú ở cõi Tây Phương Cực Lạc thì lại nghe tiếng lâm râm, khấn vái vậy là phải vội vàng trở về ngự trên bàn  thờ để chứng giám tấm lòng thành của con cháu, người thân. Đấy, chết cũng không yên!

Đối với người Việt chúng ta "cúng" là để bày tỏ lòng tưởng nhớ, tiếc thương đến với người quá cố. Dâng cúng người  quá cố hoa quả, thức ăn, nước uống, đôi khi còn có giấy tiền, vàng mã, và đồ dùng ... theo hai quan niệm - (1) Để  Ông Bà ăn lấy hương lấy hoa, (2) Để Ông Bà hưởng trước con cháu hưởng sau.

(Ghi chú: Hai chữ "Ông Bà" ở đây được dùng để chỉ chung cho những người quá cố.)

Theo đúng nghĩa đen của quan niệm "lấy hương lấy hoa" thì chỉ cần có hương và hoa là đủ rồi, tấm lòng thành của con  cháu mới là điều quan trọng.

Còn theo quan niệm "Ông Bà hưởng" thì phải dâng cúng những gì hợp khẩu vị, hợp ý thích của Ông Bà lúc còn sống. Nếu  Ông Bà là những người ăn kiêng và chỉ ăn rất ít thì tại sao lại bày ra mâm cao cỗ đầy, ê hề nào là tôm hùm, cua rang  muối, heo quay, vịt quay, nem công chả phụng, rượu mạnh, ..., toàn những thứ "chết người" và sau khi cúng xong cho  dù có cả hàng chục người ăn thì vẫn còn dư thừa. Như vậy là cúng cho Ông Bà hay cho các con cháu? Cúng để tưởng nhớ  đến Ông Bà hay là lấy cớ để bày ra ăn nhậu với bạn bè, người thân? Một sự nghịch lý!

Cũng theo quan niệm trên, tại sao chúng ta cúng cho Ông Bà hoa thật, trái cây thật, thức ăn, nước uống thật nhưng  lại cúng giấy tiền vàng mã dỗm? Quá nghịch lý! Tại sao không cúng tiền thật, vừa khỏi bỏ công, tốn của mua tiền dỗm,  vừa không tiếp tay tàn phá môi trường (vì phải chặt cây, đốn rừng để làm giấy), không làm ô nhiễm không khí và lại  không gây nên hỏa hoạn khi đem đốt những tờ giấy tiền vàng mã ấy. Nếu đã theo quan niệm "Ông Bà hưởng trước con cháu  hưởng sau" thì cứ dâng cúng mọi thứ đều thật kể cả tiền bạc rồi sau khi cúng xong thì con cháu chỉ việc lấy lại bỏ  vào túi để mà hưởng cũng như đã hưởng các thứ khác đã dâng cúng.

Cúng giấy tiền vàng mã dỗm


Và nếu chỉ cúng cùng với những lời nguyện cầu cho hương linh người quá cố thì đó là chính là một nghĩa cử bày tỏ  lòng tưởng nhớ, tiếc thương thực sự. Nhưng nếu cúng bái đi kèm với những lời cầu xin về sức khoẻ, tiền tài, vật chất  ... thì ít nhiều gì đó cũng là một hình thức "hối lộ". Khi đã nói đến hối lộ thì phải có sự tương xứng ở một mức độ  nào đó giữa những phẩm vật "hối lộ" và những gì mà chúng ta mong muốn được nhận lại.

Nếu theo quan niệm "lấy hương lấy hoa", chỉ dâng cúng một dĩa trái cây, một bó hoa, cộng chung lại thì chỉ trên dưới  $10, hoặc cúng mâm cao cỗ đầy, theo quan niệm "Ông Bà hưởng", tốn kém chỉ vài trăm bạc mà lại cầu xin Ông Bà cho  trúng số độc đắc bạc triệu thì quả là quá tham lam, quá nghịch lý.

Cũng theo quan niệm "Ông Bà hưởng", một năm kỵ giỗ chỉ một lần (cho mỗi người quá cố) mà lại cầu xin Ông Bà phù hộ  cho con cháu được nhiều sức khoẻ thì quả là nghịch lý. Vì một năm chỉ cúng cho Ông Bà một ngày và 364 hay 365 ngày  (nếu là năm nhuận) còn lại thì Ông Bà bị bỏ đói, đói xiểng liểng, lết đi không nổi thì làm sao Ông Bà lấy sức đâu mà  phù hộ cho con cháu có được nhiều sức khoẻ?!

Trong cuộc sống hàng ngày có những điều nghịch lý, biết rõ là nghịch lý nhưng chúng ta vẫn cứ làm.

Nếu dùng quan niệm "Ông Bà hưởng trước con cháu hưởng sau" trong việc cúng kiếng thì nên cúng những phẩm vật mà Ông  Bà ưa thích lúc còn sống. Nên dâng cúng những của ngon vật lạ như - cầu dừa đủ "xài" thơm tho sung sướng, heo gà,  tôm cua, nghêu sò ốc hến, tiền, vàng thật, bia rượu thượng hạng, ..., và đặc biệt là để cho các Ông (ông cố, ông  nội, ngoại, cha, chú,...) được vui trọn vẹn thì nên mướn một người đẹp về làm phẩm vật cúng bái. Các Ông có ăn uống  no nê và vui vẻ sảng khoái (đúng nghĩa) thì mới phù hộ cho con cháu được mạnh khoẻ, ăn nên làm ra,... nhưng quan  trọng hơn cả sức khoẻ, tiền tài là việc cúng ... để cho "quý Ông hưởng trước con cháu hưởng sau". Xem ra đó là một  điều thật có lý! Nhưng coi chừng chưa kịp hưởng thì đã bị mấy bà cấp cho cái visa đi đoàn tụ cùng Ông Bà, leo tót  lên bàn thờ ngồi không kịp rửa chân.

Đấy, trong cuộc sống hàng ngày có những điều có lý, biết rõ là có lý những chúng ta không dám làm. Có lý mà không  dám làm thì đó thật là điều vô lý, một sự nghịch lý của bản chất con người.

Quả đúng "đời là bể khổ" vì đời là cái bể chứa đầy những điều vô lý và nghịch lý!

Phan Trâm Anh
(Những ngày cuối năm Kỷ Hợi)

 

Số trang đã đọc

Articles View Hits
907231

Số độc giả đang đọc

We have 154 guests and no members online