• Sydney: Tưởng Niệm Ngày 30 tháng Tư năm 2023

  • Melbourne: Viện Bảo Tàng Việt Nam Tái Khởi Công ngày 26-02-2022

  • Sydney: Lễ Tưởng niệm Thiếu Tướng Lê Minh Đảo ngày 19-03-2022

  • Wollongong: Diễn hành Ngày ANZAC - 25-04-2022

  • Sydney: Tưởng Niệm Ngày 30 tháng Tư năm 2022

  • Ngày Quân Lực 19/06/2019 ở San Diego

  • Canberra: 44 năm Quốc Hận - 30/04/2019

  • Canberra: 44 năm Quốc Hận - 30/04/2019

Copyright 2024 - Người Việt Ly Hương - Úc Châu

Mùa Xuân Tuổi Thơ Hà Nội

Mỗi khi mùa xuân của Ðất, Trời trở về với muôn loài, với tôi, là mỗi mùa xuân viễn xứ chất chứa, man mác nỗi u hoài. Cho đến bây giờ, tôi đã qua bao nhiêu mùa xuân trong đời, nhưng đậm nét nhất, tươi đẹp nhất và đầy kỷ niệm nhất là những mùa xuân của tuổi măng sữa trong vóc ngọc, tay ngà của Mẹ, trong bóng mát che chở của Cha, ở nơi chôn rau cắt rốn quê nhà phố thị Phúc Yên, bên giòng sông Tiền Châu hiền hòa xuôi chảy, và những mùa xuân tuổi thơ ở cố đô Hà Nội.

Sau khi giã từ Hà Nội giữa mùa thu năm 54, tôi trải qua những mùa xuân của tuổi trẻ ở Sài gòn, thủ phủ của Việt Nam Cộng Hòa, nơi còn có mỹ danh là “Hòn Ngọc Viễn Ðông”. Lớn lên hơn nữa, là những mùa xuân trong quân trường, ngoài đơn vị. Có mùa xuân ứng chiến ở Trường Cây Mai, ngắm cội mai trắng nở đúng sáng mồng một Tết; lại có mùa xuân cấm trại trên đồi Tăng Nhơn Phú, nhìn hoa mai vàng rực rỡ. Ðêm giao thừa, gác ở tuyến D, lòng bồi hồi nhớ về những kỷ niệm xưa; nhớ bếp lửa hồng cùng mái ấm gia đình. Lặng lẽ nhìn những đóm hỏa châu bay lập lòe trên bầu trời và nghe tiếng pháo xa vọng về. Và tưởng niệm về mùa xuân Mậu Thân 1968, mắt lệ đầm đìa thương xót ai hoài, một “Giải khăn xô cho Huế” (1), hàng vạn giải khăn xô cho người dân miền Nam trong mùa xuân oan khiên ấy.

Ôi! những mùa xuân chiến tranh đầy tang thương, gian khổ. Ðể rồi mất mát, khổ nhục và chia ly với những mùa xuân dằng dặc trong trại tù cải tạo, tẩy não, khổ sai nơi rừng sâu, núi thẳm. Và cuối cùng là những mùa xuân xa rời cố quận của tuổi xế chiều trên vùng Tây Bắc, Hoa Kỳ; nơi có gió bão, tuyết đổ, mưa rơi; rét mướt ngoài trời và giá lạnh trong hồn. Và, người ơi, mỗi buổi chiều cuối năm trên vùng trời Salishan - Tacoma, từng bầy quạ bay trên thinh không cất tiếng kêu rền rĩ rủ nhau về tổ ấm, lòng tôi lại nôn nao, bồn chồn chạnh nhớ quê nhà mà giờ đây đã xa xăm nghìn trùng, diệu vợi.

Trong bao mùa xuân qua, tôi tưởng nhớ, hoài niệm những mùa xuân của tuổi thơ ở Hà Nội nhiều hơn cả. Dưới mắt cậu học trò tiểu học như tôi, Hà Nội là một thành phố tuyệt vời; dù rằng khi Cha-Mẹ tôi đưa gia đình hồi cư vào giữa năm 1949, Hà Nội vẫn còn mang dấu vết của bom đạn chiến tranh. Nơi này, nơi kia trong thành phố vẫn có nhiều ngôi nhà sập, đổ nát chưa sửa chữa hoặc xây dựng lại. Chiến tranh vẫn còn đó, mỗi ngày thêm ác liệt đâu đó trong Nam, ngoài Bắc , trên núi rừng Tây Nguyên, nhưng dần dần Hà Nội đã tái thiết, hồi sinh, đỏ da, thắm thịt.

Những mùa xuân Hà Nội thực sự mang đến cho tôi những niềm vui náo nức vô bờ, những hân hoan tự hào tràn ngập, không chỉ bởi quang cảnh kỳ tú mùa xuân và người Hà Thành thanh lịch, mà là bầu không khí thanh bình với không gian bàng bạc giữa chính sử và huyền sử ngàn năm của dân tộc như còn hiện hữu đâu đây nơi Thăng Long thành, như lời thơ của Bà Huyện Thanh Quan, “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo. Chốn cũ lâu đài bóng tịch dương.”

Mùa xuân Hà Nội tiết trời se lạnh, có năm rất lạnh, mọi người mặc quần áo ấm muôn màu, đủ kiểu. Các ông ăn mặc theo kiểu dáng thanh lịch của thủ đô Ba Lê, bộ veston, áo gi lê, cà vạt,

đầu đội mũ beret, hay mũ phớt. Các bà, các cô mặc áo dài cổ cao bằng lụa Hà Ðông, nhung hoặc gấm Thượng Hải; khăn choàng đầu, cổ quấn khăn len hay khăn lụa, ngoài khoác áo măng tô hay áo len. Trẻ con chúng tôi dĩ nhiên được mặc quần áo đẹp. Ngay mùa đông, chúng tôi đã được Cha-Mẹ cho may quần áo mặc Tết, mua áo blouson, áo len và giầy tây. Tôi cũng như các bạn trẻ đồng trang lứa, hớn hở, sung sướng được mặc quần áo mới trong những ngày đầu xuân.

Theo thông lệ, không khí Tết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, lễ đưa Ông Táo về Trời. Buổi sáng 29, Mẹ tôi đi chợ Tết tại chợ Ðồng Xuân lần cuối, mua thịt thà, rau, quả tươi để có thể dùng trong ba ngày Tết. Buổi chiều, khi mâm cơm cúng do Mẹ tôi nấu đã xong, đích thân Thầy, Mẹ tôi mặc quần áo chỉnh tề, nghiêm trang khấn vái, kính mời Tổ Tiên về ăn cỗ với con cháu trong ba ngày Tết. Chị, em chúng tôi cũng lần lượt đứng trước bàn thờ, thắp nhang vái lạy. Trên bàn thờ lung linh ánh nến, khói hương và khói trầm quyện vào nhau, phảng phất hương thơm của trầm hương, hoa quả và thức ăn .Vào lúc này, tôi có cảm tưởng như thời gian ngưng đọng, không gian như nồng ấm tình gia tộc với Tổ Tiên, con cháu quây quần đoàn tụ, không còn âm dương cách trở. Thầy tôi kể lại công đức của Tổ Tiên. Ðến đời Ông Nội tôi, Cụ đã tham gia phong trào Cần Vương trong cuộc chiến tranh chống lại giặc Pháp xâm lăng cuối thế kỷ 19. Thầy tôi thường giáo huấn chúng tôi một quan niệm sống đơn giản: “Phàm làm người, chỉ cần làm một người công dân tốt, không ăn bám xã hội, là đã tốt lắm rồi.” Lời Thầy tôi dạy, đến nay tôi nghiệm thấy để làm một người công dân tốt quả thật cũng khó lắm thay!

Ðúng giờ giao thừa, Thầy tôi bước ra trước bàn thờ bày ngoài sân nhà khấn vái Hoàng Thiên, Hậu Thổ, cầu xin một năm mới an bình, thịnh vượng. Ngoài kia pháo nổ vang rền chào đón chúa xuân báo hiệu năm cũ đã qua. Khi tiếng pháo dịu đi, chỉ còn những tiếng pháo lẻ tẻ, chị, em chúng tôi đi vào giấc ngủ muộn màng.

Sáng sớm mồng một Tết, khi chúng tôi thức dậy thì Thầy, Mẹ cũng đã thức giấc từ lâu và quần áo đã chỉnh tề. Thầy tôi mặc âu phục, và mẹ tôi mặc áo dài nhung màu rượu Bordeaux, khăn lụa choàng đầu. Tôi mặc quần tây màu cà phê sữa nhạt, áo chemi trắng dài tay, ngoài mặc một chiếc áo len cao cổ cũng màu nâu nhạt, có hoa văn trắng trước ngực, do chị Bạch Tuyết của tôi đan, chân đi đôi giầy bốt tin cổ cao đến trên mắt cá chân cũng màu nâu. Xong đâu đấy, Mẹ tôi gọi anh, em chúng tôi lại để Thầy, Mẹ mồng tuổi. Ðến lượt tôi và em Ngọc Bảng, Mẹ nói:

“Mẹ mồng tuổi cho các con, một năm mới, học hành chăm chỉ, giỏi giang, ngoan ngoãn.” Chúng tôi sung sướng chìa tay nhận tiền mừng tuổi, cúi đầu: “Thưa Mẹ, vâng!” Sau đó, anh, em chúng tôi xin phép Thầy, Mẹ cho đi chơi. Em Ngọc Bảo, lững chững tập đi, ở nhà với Thầy, mẹ và hai chị Bạch tuyết, Tường Lan.

Ngoài trời, phố Hàng Bún Dưới, đã bắt đầu vang vang tiếng nói, cười huyên náo, vui tươi.

Các bạn trạc tuổi tôi cùng phố cũng đã túa ra đường, ăn mặc thật đẹp và lịch sự. Nhà tôi ở số lẻ 27, nhà lầu, có hai Chị Huyền, Khương, Anh Phúc, Anh Ninh, phía trước cửa có cây bàng lớn; bên tay phải là biệt thự hai tầng, số 25, trong sân có hai cây lan tây cổ thụ, ngọn cao hơn mái nhà, có hai chị Vân, Khanh, em gái nhỏ tên Thư, các bạn Thông, Tòng, Bách, Bang, học trường Tây cũng đang đốt pháo đì đùng ngay trước hai cánh cửa gỗ lớn. Bên số chẵn, góc ngã tư hàng Bún Dưới và Phạm Hồng Thái, ngôi biệt thự lầu đầu tiên, là nhà hai bạn Trương Trọng Chinh và Trương Trọng Trác, vào chính giữa là nhà bạn Uy, số 18; kế đến là nhà của bạn Lê

Bá Chữ và người anh tên Lê Bá Ðiệp, số 20, trong sân sau có cây roi cành lá xum xuê, trĩu quả màu hồng nhạt; phía trước có cây hoa sữa, mùa hè hoa nở rụng trắng xóa vỉa hè; đối diện với nhà chúng tôi. Qua số 22 là nhà bạn Trường, dân trường Tây, trong sân bên lề dường dành cho xe ô tô chạy vào phía garage, có một cây ngọc lan lớn, hoa nở trắng xóa, hương thơm ngào ngạt; kế bên là nhà bạn Tuyên, có anh Thụy, đi sĩ quan từ đầu thập niên 50; chót hết là nhà bạn Diệm, có anh Nguyễn Quang Ðính, cũng là sĩ quan Võ Bị Ðà Lạt. Chúng tôi tụ lại với nhau, đốt pháo, cắn hạt dưa, vui đùa thỏa thích.

Chẳng bao lâu, các anh chị lớn hơn ở chung quanh kéo đến, đây là lúc các trò chơi xuân được bày ra, trong sân biệt thự hai tầng số 29, có một mái nhọn hoắt như nóc thánh đường, có một cây nhãn cổ thụ chính giữa, những bụi ngâu mùa hè nở hoa vàng tỏa hương thơm ngan ngát, bên hông có những cây cọ tay tàn lá xum xuê; đây là nơi có vựa bán củi của Mẹ tôi, nay tạm nghỉ bán trong mấy ngày tết. Quang cảnh ở đây ồn ào, náo nhiệt; nơi này đám bầu, cua, cá, cọp; nơi kia là đám chơi tam cúc; nơi khác là đám bài tây ba lá; trên chiếc sạp ngồi bán hàng chễm chệ một đám đánh bất; góc nọ bày ra chơi xóc đĩa, tiếng cười vì thắng, tiếng tặc lưỡi vì thua, xen lẫn tiếng cãi nhau chí chóe, ầm ĩ. Cuộc vui cứ thế kéo dài cho đến buổi xế chiều.

Sáng mồng hai Tết, chị, em chúng tôi, hai chị Bạch Tuyết, Tường Lan, hai em Ngọc Bảng, Ngọc Bảo và tôi, bắt đầu đi chơi xuân. Từ nhà, chúng tôi đi về phía tay phải, qua đường Phạm Hồng Thái, Phó Ðức Chính, lên thẳng đê Yên Phụ. Tiết trời xuân se lạnh, không có nắng, cây cối hai bên đường đều là cây bàng, cây hoa sữa, cành cây trụi lá về mùa đông đang bắt đầu đơm chồi, nẩy lộc. Trên khung trung từng bầy én bay liệng như thoi đưa, cất tiếng kêu ríu rít như chào đón chúa xuân. Ðứng trên bờ đê, xa xa phía trước mặt là bãi Phúc Xá hoang sơ, ngôi thánh đường bị tàn phá vì chiến tranh mấy năm trước đó vẫn chưa được tái thiết, và các trụ điện đứt giây đứng chơ vơ trong lùm lau lách đìu hiu. Nơi đó cũng không có nhà cửa của dân cư. Xa hơn nữa về phía bên tay phải là các nhịp cầu Long Biên bắc ngang dòng Hồng Hà khi ẩn khi hiện trong màn sương. Phút chốc, bài học lịch sử tiểu học còn nóng hổi trở về với tôi; nơi đó, ngày mồng 5 Tết năm Kỷ Dậu (1789), Hoàng Ðế Quang Trung cùng đoàn quân dũng mãnh của Người, sau khi hạ xong thành Ngọc Hồi, Hà Hồi; đánh tan quân Thanh ở Gò Ðống Ða khiến Tướng Sầm Nghi Ðống phải treo cổ tự ải, đại quân Nam đã bao vây, đánh chiếm thành Thăng Long. Cuộc đánh thành tốc chiến, tốc thắng đã khiến Tổng Ðốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị, viên chủ soái chỉ huy 20 vạn quân Thanh xâm lược nước ta, không kịp chuẩn bị đã phải bỏ cả ấn -tín, cùng quân bản bộ tranh nhau chạy qua cầu phao bắc ngang sông Nhị Hà. Cầu phao bị đứt, quân Thanh rơi xuống sông chết đuối rất nhiều.

Ði về phía trái, ngược về hướng Quảng Bá, Nghi Tàm, chúng tôi bắt gặp những chuyến tàu điện xuôi ngược giữa khu vực Hồ Tây vào chính giữa nội thành, thỉnh thoảng tàu rung chuông kêu kleng keng, kleng keng nghe rất vui tai.

Chẳng mấy chốc, chúng tôi đi ngang qua trường Tiểu Học Mạc Ðĩnh Chi. Ngôi trường nằm phía tay trái, bên bờ Hồ Trúc Bạch; trong khuôn viên một ngôi đình, quân đội Pháp đã xây một đồn quân ở đây, và vừa trao trả cho Chính Phủ Việt Nam. Nơi đây, từ một đồn quân của Quân dội Pháp, trở thành một ngôi trường học cho học sinh Việt Nam. Khi trường khai giảng niên khóa đầu tiên, học sinh tiểu học từ các trường khác được chuyển đến đây. Trong số học sinh đó, có tôi. Lúc đó, tôi và em tôi là Ngọc Bảng đang học tại trường Tiểu Học Nguyễn Công Trứ, phố Hàng Than. Một ngôi trường tiểu học, khang trang, bề thế, đồ sộ bậc nhất ở Thủ đô Hà

Nội với dãy nhà lầu hai từng, tường xây, mái ngói đỏ, sân chơi rộng rãi, thoáng mát với những cây lim già tỏa bóng trong màu xuân hè. Tường rào của trường chạy suốt một khu phố sát vách tường sau nhà tôi. Tôi học lớp nhì, em tôi học lớp ba nhưng kém tôi bốn tuổi. Vì lớn tuổi và học lớp lớn, và vì trường cách xa nhà hai, ba cây số nên tôi được chuyển đi trường mới, còn em tôi ở lại.

Ở trường Tiểu Học Mạc Ðĩnh Chi, tôi lên lớp Nhất D do Thầy Lăng dạy. Nhân dịp đi qua trường, tôi kể cho các chị tôi nghe về một mẩu chuyện liên quan đến việc học của chúng tôi. Thầy giáo tôi rất thương học trò nhưng rất nghiêm. Học sinh chúng tôi được Thầy vừa dạy Việt Văn vừa dạy Pháp Văn. Những buổi học Pháp Văn, có giờ học Vocabulairy, Récitation, Lecture và Grammaire. Khi Thầy gọi đọc bài hay phân tích văn phạm, chẳng may có anh chàng nào đọc sai (thường gọi là nói ngọng) những chữ mạo từ như (le, la, les) thành “ne, na, nê” v.v... lập tức, Thầy chỉ tay về phía bức tường sát cạnh bàn của Thầy ngồi, và anh học sinh đi lên đó. Tại đây, trên bức tường ngang tầm mắt chúng tôi có một mảng tường rộng bằng lòng bàn tay vôi trát tường biến mất, lòi xi măng còn nham nháp. Thầy phạt anh đó bằng cách thè lưỡi liếm tường. Ở dưới, chúng tôi theo dõi anh bạn bị phạt, vừa hồi hộp vừa thích thú. Liếm tường ba lần xong, Thầy cho anh về chỗ. Chúng tôi không biết cách liếm tường này có khoa học hay không, và những gai lưỡi của anh “nói ngọng” có mỏng đi không, nhưng quả thật bạn nào nói sai chữ “L” thành chữ “N” và ngược lại, sau khi bị phạt liếm tường thì hầu như hết hẳn bệnh đọc sai như trước. Tôi nói, thật là một phương pháp giáo dục chữa bệnh nói “ngọng” thần sầu làm cho các chị, em tôi cười vang.

Qua khỏi trường tôi học, chúng tôi rẽ trái đi vào đường Cổ Ngư. Con đường này theo tôi, là con đường đẹp nhất Hà Nội bởi vì đường nằm giữa hai bên bờ Hồ Trúc Bạch và Hồ Tây, chạy thẳng đến khu Ðền Quan Thánh. Dọc hai bên đường ven hồ là những hàng phượng vĩ về mùa hè hoa đỏ tươi màu rực rỡ, và những dãy kiosque xinh xắn bán bánh tôm và các thức giải khát đủ loại.

Ngược, xuôi trên đường, nam thanh, nữ tú qua lại dập dìu; đó là những chàng trai và các thiếu nữ tràn đầy xuân thì của Hà Nội đầu thập niên 50. Thật dúng với câu ví von “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”. Vui chân, chị, em chúng tôi đi ngang qua Chùa Trấn Quốc, nằm bên phải phía Hồ Tây. Bất chợt tôi nghe văng vẳng đâu đây câu ca dao Mẹ tôi thường ngâm nga , ru em tôi ngủ, “Gió đưa cành trúc la đà. Tiếng chuông Trấn Quốc, canh gà Thọ Xương”. Tôi cũng liên tưởng đến câu chuyện thần kỳ về nhà Sư Minh Không và các con trâu vàng, chuông vàng trên Hồ Tây ngàn năm thuở trước.

Ra khỏi đường Cổ Ngư, chúng tôi tiến vào vườn bách thảo hay còn gọi là sở thú, nơi đây cây cao bóng cả san sát vào mùa hè, giờ đây rừng cây trơ trụi lá như bộ xương khô đang đâm chồi lá nõn xanh non; và dạo quanh các hồ sen nước trong vắt, dưới hồ có các con cá đuôi cờ rất đẹp, loại cá này nhỉnh hơn loài cá lia thia trong miền Nam, nhưng đặc biệt, phía đuôi của nó có ba màu xanh, trắng, đỏ, chia đều khoảng cách trông như lá cờ tam tài của Pháp. Qua khu chuồng nuôi hổ, nhìn còn hổ nằm vùi trên tảng đá không chịu di chuyển, tôi lại nhẩm đọc bài thơ “Hổ nhớ rừng” của Thế Lữ “Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt. Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua.” Rồi chúng tôi lần bước lên nhiều bậc tam cấp rộng thênh thang bằng gạch để lên viếng ngôi chùa nằm trên đỉnh ngọn Núi Nùng. Ngôi chùa khá to, nhìn bao quát cả khu bách thảo, nghi ngút khói hương của khách thập phương đến chiêm bái đầu năm.

Rời vườn bách thảo, chúng tôi đi lần lên khu Ngọc Hà, viếng thăm cái nôi của muôn hoa Hà Nội, còn có mỹ danh là Trại Hàng Hoa. Nơi đây có những vườn đào tuyệt đẹp; có những gốc đã chặt hết cành, nhưng trong vườn vẫn có những cây đào còn nguyên vẹn, hoa đào mịn màu phấn hồng chen chúc trên cành điểm tô bằng những lá tơ xanh màu cẩm thạch, thật là một công trình tuyệt vời của hóa công. Bên cạnh vườn đào, cơ man nào là các loại hoa thược dược; hoa lay ơn, hoa cúc, hoa hồng nhung, hoa huệ, hoa loa kèn, tulip, mào gà... muôn hồng, ngàn tía, tỏa hương thơm ngát một vùng. Các cô hàng bán hoa trẻ trung, duyên dáng luôn tươi cười đon đả tiếp khách đến thăm vườn hoa và mua hoa.

Về xế chiều, trên đường về, chúng tôi ghé thăm Chùa Một Cột. Chùa vuông vức, cỡ nhỏ, làm bằng gỗ, bốn góc mái uốn cong dáng dấp cổ kính, được đỡ bằng một trụ đá tròn duy nhất, nằm chính giữa một hồ sen có tường xây gạch chung quanh. Khung cảnh êm đềm, tĩnh lặng. Gần đó là Chùa Thiên Hựu, đây là nơi vị vua cuối cùng nhà Lý, vua Lý Huệ Tông đi tu, sau khi nhường ngôi cho con gái là Công Chúa Lý Chiêu Hoàng. Công Chúa Chiêu Hoàng sau khi lấy Trần Cảnh đã nhường ngôi cho chồng để lập nên nhà Trần. Tôi lặng đi vì cảm xúc và ngậm ngùi khi nhớ lời Thầy giáo giảng về lịch sử cuối đời nhà Lý suy tàn. Một buổi sáng Thái Sư Trần Thủ Ðộ đi ngang qua chùa, thấy cựu hoàng đang nhổ cỏ trong vườn, Thái Sư nói lớn vọng vào: “Nhổ cỏ phải nhổ cả rễ.” Nhà vua nghe vậy, hiểu ý Thái Sư nhắn gởi, Ngài trở vào chùa thắt cổ tự ải. Chấm dứt triều đại nhà Lý trị vì hơn hai trăm năm với những chiến công hiển hách: phá Tống (phương Bắc,) bình Chiêm (phương Nam) với danh tướng Lý Thường Kiệt và bản tuyên ngôn độc lập lịch sử trong buổi bình minh rạng ngời của dân tộc: “Nam Quốc sơn hà Nam Ðế Cư. Tiệt nhiên định phận tại Thiên Thư. Nhữ hà Nghịch Lỗ lai xâm phạm. Nhữ đẳng hành khan thử bại hư.”

Rời Chùa Một Cột, chúng tôi đi trên đường Quan Thánh trở về nhà. Con đường này nhiều biệt thự kiểu tây sang trọng, bề thế, cũng phủ đầy cây cao hai bên đường, những hàng me cổ thụ cao vút, về mùa hè, ve sầu kêu râm ran và chim vành khuyên hót ríu rít, líu lo. Thế rồi chúng tôi đi ngang qua cửa Bắc, nằm phía tay phải dẫn về vườn hoa Hàng Ðậu. Gần cổng thành là tường xây bằng các tảng đá xanh khổ lớn. Có một lỗ thủng lớn chu vi khoảng hơn 1 m trên tường thành vẫn được để nguyên vẹn không sửa chữa, như ghi lại một dấu tích của cuộc tấn công đánh thành Hà Nội của quân Pháp nơi đây, để rồi quan trấn thủ Hoàng Diệu tuẫn tiết theo thành. Mỗi khi có dịp qua lại nơi chốn này, nhìn tường đá vỡ, tâm hồn tôi lại lâng lâng cảm phục, và tự hào về những tấm gương oanh liệt của tiền nhân.

Sáng mồng ba Tết, chúng tôi lại bắt đầu chuyến du xuân trong lòng Hà Nội. Ra khỏi nhà, chúng tôi rẽ trái đi ngược lên Phố Hàng Bún trên để đến Phố Quan Thánh, rồi lại rẽ trái đi trên Phố Quan Thánh, dọc theo vườn hoa Hàng Ðậu để rồi rẽ phải đi lên Chợ Ðồng Xuân.

Phố phường đông đúc, tấp nập người đi chơi xuân, đổ dồn về trung tâm thành phố. Chúng tôi đi trên phố Hàng Ngang, Hàng Ðào; nơi đây có những cửa hàng buôn, bán vải vóc, tơ lụa lộng lẫy ; nơi đây cũng là nơi thu hút mạnh mẽ quý bà, quý cô, những thiếu nữ trẻ trung, kiều diễm của đất Hà Thành.

Qua phố Hàng Buồm, có nhiều cửa hàng của người Hoa, bày bán tràn ngập hoa quả, từ nho tây, táo tây, lê tàu nhập cảng đến cam, quít, bưởi nội địa, và thực phẩm khô các loại, gần đây cũng có miếu Sầm Công bốn mùa khói hương nghi ngút thờ Tướng nhà Thanh Sầm Nghi Ðống, đã tuẫn tiết tại Gò Ðống Ða khi quân Nam tràn ngập doanh trại trong ngày đầu xuân Kỷ Dậu năm xưa. Tôi lại thêm một lần cảm phục tâm công của Ông, Cha, thể hiện tâm hồn cao thượng, quảng đại, bao dung ngay với cả quân thù. Khi bị bắt làm tù binh, được nuôi ăn, cấp lương thực, quần áo, tha cho về nguyên quán; khi chết nêu cao khí tiết của người anh hùng, cho lập miếu thờ.

Ði hết dãy phố tơ lụa, chúng tôi đã ra đến Hồ Gươm (còn gọi là Hồ Hoàn Kiếm), trái tim của đất ngàn năm văn vật. Ðiểm đầu tiên chúng tôi dừng chân bên Tháp Bút, ngọn tháp cao năm tầng, xiển dương văn chương, trên đỉnh tháp là một bút lông dựng ngược trên trời xanh, trên thân ba tầng giữa có khắc theo chiều dọc ba chữ “Tả Thiên Thanh” nghĩa là “viết lên trời xanh”. Sau đó, chị, em chúng tôi bước lên cầu Thê Húc, bằng gỗ uốn hơi cong cong hình cánh cung, sơn màu son đỏ để vào Ðền Ngọc Sơn. Thiện nam, tín nữ, khách thập phương đứng chật như nêm ngoài sân, trong đền. Các bà, các cô thắp hương, thành tín khẩn cầu, xuýt xoa khấn vái rồi lắc ống đựng thẻ, gieo quẻ xin xăm. Tiếng thẻ lọc xọc, lách cách vang lên từng chập, và rồi tấm thẻ cũng nhảy ra. Người ta thành tâm nhặt lấy, coi số thẻ và đi tìm thầy đồ đoán quẻ. Mỗi quẻ đều có ghi một bài thơ chữ nho và một bài giải bằng chữ quốc ngữ. Người hả hê vui sướng vì được Thánh cho quẻ tốt, kẻ ưu tư vì quẻ xấu. Người vào, người ra liên tu bất tận. Khói hương mờ mịt lan tỏa không gian. Tiếng cười nói râm ran vui vẻ.

Chung quanh khu vực Đền Ngọc Sơn, có rất nhiều ông Đồ, ăn vận quần tây, áo the thâm, miệt mài gò lưng dùng bút lông, mực tàu viết câu đối trên những tấm giấy hồng điều; khách du xuân đứng chung quanh thích thú theo dõi, thật là “Đôi tay thảo những nét. Như phượng múa rồng bay”. (2)

Rời Ðền Ngọc Sơn, chúng tôi đi dạo quanh bờ hồ. Các ông chụp ảnh dạo tha hồ bấm máy cho khách du xuân. Trên bờ hồ cỏ non xanh, các cây cọ xòe những tàu lá lớn khoe mình dưới nắng xuân. Xế trưa, nắng ấm lan tỏa khắp nơi. Mọi người đều dồn mắt về phía tháp rùa nổi lên như một ốc đảo giữa hồ. Kỳ diệu làm sao, trên bờ cỏ chân tháp, có bốn năm con rùa to, nhỏ nằm yên bình phơi nắng. Có một con đầu đàn mình to hơn chiếc thúng cái, đầu như quả dừa, nằm bên những con rùa nhỏ hơn. Ðây không phải là lần đầu người dân Hà Nội và chúng tôi nhìn thấy rùa ở Hồ Hoàn Kiếm; thường thì vào những ngày lễ, tết, có nắng ấm, rùa lại nổi lên, bơi chung quanh gò đất nơi có tháp rùa và lên bờ nằm phơi nắng. Truyền thuyết kể rằng sau khi cùng quân sĩ nằm gai nếm mật gian khổ trong mười năm, đánh xong giặc Minh vua Lê Thái Tổ một ngày đẹp trời ngự thuyền rồng chơi trên hồ, chợt có một con rùa lớn nổi lên bơi cạnh mạn thuyền. Nhà vua bèn rút thanh kiếm (gươm) đeo bên mình chỉ mũi kiếm xuống nước, nào ngờ con rùa há miệng ngậm lấy thanh kiếm lặn xuống. Người ta nói rằng khi xưa nhà vua đã được rùa thần cho mượn thanh kiếm để đánh giặc, nay đánh xong giặc rùa thần đòi thanh kiếm lại. Hồ có tên là Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm từ đấy. Từ xa xa, trên phố Tràng Tiền với những cửa tiệm, nhà hàng Tây đèn thắp sáng trưng tấp nập người đi kẻ lại. Bên bờ hồ phía kia là nhà Thủy Tạ, về mùa hè chúng tôi thường đến đó ăn kem, ngắm nhìn cây phượng vĩ nở hoa soi bóng dưới hồ.

Xế chiều, chúng tôi vào Văn Miếu, có tường thành cao và dày bao bọc. Trên các cổng ra vào hình vòm là các gác nhỏ có mái cong bốn góc là nơi để các quan giám sát trường thi, phía dưới các sĩ tử chăm chú làm bài. Trong Văn Miếu rất rộng, có năm ngôi nhà ngói cổ kính, một ngôi to nhất mái ngói hai tầng uốn cong bốn góc là nơi để vua và các quan đến lễ Ðức Khổng Tử hàng năm. Chính giữa có một cái ao lớn, chung quanh ao có xây tường bằng gạch cẩn các bình sành màu xanh rất đẹp. Khung cảnh nơi đây tĩnh lặng, phảng phất không khí trang nghiêm của trường thi ngàn xưa, nơi đào tạo ra những nhân tài về văn học cho đất nước. Giờ đây dẫu thời gian như cánh hạc bay ngàn năm đã qua mà chứng tích về một nền văn hiến của dân tộc vẫn còn bàng bạc hiển hiện những dãy bia Tiến Sĩ làm bằng đá khổ lớn, phía trên trạm trổ hoa văn tuyệt đẹp, phía giữa có khắc văn bia co khắc văn bia ghi niên biểu các vị thi đỗ Trạng Nguyên vào đời vua nào, triều đại nào, khóa thi năm nào để hậu thế soi chung. Tôi rất thích thú thấy mỗi tấm bia được cõng bởi một con rùa lớn cũng bằng đá, đứng trơ gan cùng tuế nguyệt.

Trong Văn Miếu có nhiều các anh, chị sinh viên Trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Hà Nội đến đây tập vẽ phong cảnh. Những nóc nhà, những thân cây xoài, cây quéo cổ thụ, vỏ da sần sùi, nứt nẻ, cành lá khẳng khiu nhô lên trên nền trời màu khói xám là những mẫu vẽ thiên nhiên kỳ thú. Ngắm nhìn tòa Văn Miếu rêu phong nhuốm mùi cổ kính và những tấm bia Tiến Sĩ ghi tên tiền nhân qua bao triều đại thăng trầm, trong lòng tôi dâng lên một mối cảm hoài, nhớ lại một câu trong bài học thuộc lòng thuở mới cắp sách đến trường, “Những đồi núi sông ngòi, những cỏ cây hoa lá, đâu đâu cũng in hình bóng của Tổ Tiên tôi.”

Mùa Xuân -Tuổi Thơ - Hà Nội, còn có bao nhiêu là kỷ niệm.

Chúng tôi còn đi lễ Ðền Hai Bà ở làng Ðồng Nhân, muốn ra Ðền phải đi bằng con đò nhỏ. Còn đi chơi Ô Cầu Giấy để nghe kể về trận đánh giữa quân triều đình và quân Pháp, khiến Ðại Úy Francie Garnier tử trận ở đây; và Gò Ðống Ða, nơi chôn vùi mộng làm chủ phương Nam của vua Càn Long, Nhà Thanh. Tại nơi Gò Đống Đa, mỗi năm vào ngày mồng 5 Tháng Giêng đều có diễn lại sự tích trận đánh quyết chiến hào hùng của quân Nam với quân Thanh, và để để nung nấu tinh thần chống ngoại xâm của người dân. Chị, em tôi cũng đi thăm Viện Bảo Tàng Viễn Ðông Bác Cổ, gần Nhà Hát Lớn Hà Nội, để được nhìn những cổ vật ngàn xưa. Ở đây, tôi được nhìn thấy bộ chiến bào của người anh hùng áo vải Quang Trung còn nám khói súng trong trận đánh thành Thăng Long năm Kỷ Dậu (1789).

Chúng tôi còn được đi chơi xuân giải trí như đi coi gánh hát Kim Chung có cô đào Ái Liên khả ái; đi xem ciné tại rạp Philamonique ở gần Hồ Gươm, rạp Olympia ở chợ Hàng Da, xa hơn là rạp Kinh Ðô ở Chợ Hôm để xem những bộ phim “Cuốn theo chiều gió,” “Hercule,” “Samson et Dalila.” Nhưng anh em chúng tôi thích xem ciné ở rạp Lửa Hồng hơn cả. Rạp ciné này hầu như là rạp nhà của tuổi thơ Hà Nội. Cánh học sinh chúng tôi mỗi cuối tuần đều tới đây để xem các phim Cow Boy cưỡi ngựa, bắn súng; Zorro đánh kiếm, Tarzan du giây với khỉ. Mỗi khi người hùng xuất hiện, cứu khổ phò nguy, khán giả chúng tôi la hét, reo hò, vỗ tay ầm ĩ.

Ôi! Thời gian như tên bay, như vó câu qua cửa sổ. Những kỷ niệm như vương vấn đâu đây mà thời gian đã hơn nửa thế kỷ. Giờ đây lưu lạc quê người; Phúc Yên, Hà Nội, Sài Gòn đã xa xăm diệu vợi. Cảnh vật đã đổi thay, cái còn, cái mất. Những dấu vết lịch sử còn đó hay phai nhòa theo dòng đời và vận nước thăng trầm.

Mùa Xuân -Tuổi Thơ - Hà Nội không chỉ là những hoài niệm của mùa xuân tuổi thơ ở Hà Nội, mà còn là cả một dòng đời xuôi chảy của ba thời quá khứ, hiện tại và tương lai; một đan kết gắn bó, bền bỉ rất chân tình, rất thủy chung, rất đẹp nhưng đầy ngậm ngùi thương nhớ.

Theo dòng thời gian, đã qua rồi những mùa xuân xưa cũ, theo dòng đời, thế hệ chúng tôi nay mái tóc đã điểm sương. Những người Hà Nội ngày xa xưa ấy, ai còn, ai ở phương nào, và ai mất.

Bây giờ, chiều cuối năm trên vùng Tây Bắc Hoa Kỳ, tôi thành kính đốt nén tâm hương tưởng niệm thế hệ cha-mẹ tôi, những người anh: nhạc sĩ Nguyễn Hiền, Trung Tá Trần Hữu Giao (Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt-ca sĩ Ngọc Giao); những người bạn cùng phố như chuyên gia hóa học Trương Trọng Trác (Chủ Nhiệm BNS Ngày Nay, Houston, Texas); anh em các bạn Thông, Tòng, Bang; mới đây, chị cả Bạch Tuyết và Thiếu Tá Công Binh Trần Văn Thu, anh rể thứ hai của tôi, và còn ai nữa.

Tôi thân ái kính gửi lời thăm hỏi chân tình và chúc bình an đến những người anh, người bạn Hà Nội: họa sĩ Mộng Chương, họa sĩ Đinh Liễn, nhạc sĩ Anh Hoa, Trung Tá Nguyễn Q. Đính (VB/QG/ĐL) ; Trung Úy Bách, binh chủng Truyền Tin, California; Y Sĩ Thiếu Tá Trương Trọng Trinh, Paris, các chị Vân, Khanh (?) em Thư, Federal Way, Washington; hai em tôi Ngọc Bảng và Ngọc Bảo.

Tôi luôn luôn thương nhớ, miệt mài tìm kiếm các bạn, các em đã một thời ở phố Hàng Bún dưới như Lê Bá Điệp, Lê Bá Chữ, Uy, Trường, Tuyên, và phố Phạm Hồng Thái kế bên: các em Đinh Thị Kim Oanh, Đinh Thị Kim Yến, Đinh Mạnh Tuấn, Đinh Mạnh Dũng; các bạn Ngô Đức Hải, Ngô Đức Sâm.

Bây giờ các bạn, các em ở đâu? Ở đâu?

Bùi Huy Quốc Hùng- This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Chiều cuối năm Đinh Dậu. Tacoma, Washington, Hoa Kỳ, 2017


(1) Tiểu Thuyết của Nhà Văn Nhã Ca

(2) Thơ Vũ Đình Liên


 

Số trang đã đọc

Articles View Hits
906235

Số độc giả đang đọc

We have 119 guests and no members online