• Sydney: Tưởng Niệm Ngày 30 tháng Tư năm 2023

  • Melbourne: Viện Bảo Tàng Việt Nam Tái Khởi Công ngày 26-02-2022

  • Sydney: Lễ Tưởng niệm Thiếu Tướng Lê Minh Đảo ngày 19-03-2022

  • Wollongong: Diễn hành Ngày ANZAC - 25-04-2022

  • Sydney: Tưởng Niệm Ngày 30 tháng Tư năm 2022

  • Ngày Quân Lực 19/06/2019 ở San Diego

  • Canberra: 44 năm Quốc Hận - 30/04/2019

  • Canberra: 44 năm Quốc Hận - 30/04/2019

Copyright 2024 - Người Việt Ly Hương - Úc Châu

Tình Yêu, Ngục Tù & Vượt Biển - Tác Giả và Tác Phẩm

(Lời giải thích: Ngọai trừ những câu nói được trích dẫn, trong bài viết này, có lúc hai chữ "ông/bà" và cũng có lúc hai chữ  "anh/cô" đã được dùng để gọi hai tác giả Dương Phục & Vũ Thanh Thủy. Lý do: Hai chữ "anh/cô" được sử dụng cho quá khứ, khi hai  người còn rất trẻ, và hai chữ "ông/bà" là để nói về tác giả trong thời gian sau 1975 và trong hiện tại.)

"Ngầu"!
Phải nói là "quá ngầu".

Khi gới thiệu về tác giả, BS Nguyễn Mạnh Tiến (đến từ Sydney) đã có những lời nói dí dỏm, rất thân tình và gần gũi với ông Dương  Phục vì hai người là "bạn giang hồ" lúc còn trai trẻ ("bạn giang hồ" là chữ dùng của BS Tiến khi nói về cái tình bạn giữa BS và  ông Dương Phục). Đối với BS Tiến, cuộc đời và con người của ông Dương Phục rất "kỳ dị, không có cái gì bình thường".

Rồi đến lúc nói về bà Vũ Thanh Thủy, một người phụ nữ đoan trang trong tà áo dài, toàn thể cử tọa mới thầm thán phục sự gan lì  của một nữ phóng viên chiến trường. BS Tiến cho biết cô Thanh Thủy, lúc bấy giờ, "19 tuổi, trời đất, trước 75, con gái nhà lành  mà lại đâm [đầu] đi làm phóng viên chiến trường". Là một con người "bạc mạng, điếc không sợ súng", có mặt hầu như trên khắp các  chiến trường khốc liệt nhất, và là một nữ phóng viên đầu tiên được Bộ Tổng Tham Mưu VNCH gắn huân chương Anh Dũng Bội Tinh với  Ngôi Sao Bạc. Cho nên hai chữ "gan lì" cũng chưa hoàn toàn đúng và đủ để diễn tả cá tính của cô phóng viên Thanh Thủy mà phải  nói là "ngầu", "rất ngầu"!

Cái "ngầu" đó (có lẽ phát xuất từ bầu nhiệt huyết, hăng say của một người trẻ tuổi) được thấy rõ qua những mẫu chuyện cô Thanh  Thủy đã leo lên phản lực cơ F-5 bay cùng một viên phi công mặc dầu trước đó cô chưa từng có một giây phút nào "làm quen" với F- 5. Hoặc trong lúc theo một đoàn chiến xa đi hành quân thì bị VC pháo, một chiếc đi bên cạnh trúng đạn nổ tung nhưng cô vẫn ngồi  vắt vẻo trên thành chiến xa, trong khi đó một nữ phóng viên quốc tế dầy dạn kinh nghiệm đi cùng thì đã hô biến tự bao giờ.

Anh Dương Phục và cô Vũ Thanh Thủy đã phải đối đầu, hứng chịu bao hiểm nguy, có lẽ nguy hiểm hơn cả những người lính tác chiến  thực thụ, vì hai người phóng viên đã lao vào chiến trường máu lửa mà không có được một ngày huấn tập về quân sự (để có một thể  lực dẻo dai, có sức chịu đựng cũng như để biết và tránh các mối nguy hiểm về súng ống, bom đạn), và không được trang bị những  phương tiện để tự vệ (khi phải giáp mặt với địch quân) ngoài chiếc máy ảnh, máy thâu hình trong tay.

Anh Dương Thục và cô Vũ Thanh Thủy đích thực là những phóng viên chiến trường gan lì trong khi đó đa số các phóng viên Âu-Mỹ lúc  bấy giờ chỉ là các phóng viên "chiếu giường", chỉ nằm nhà, la cà ở các quán La Pagode-Givral-Brodard phịa ra những bản tin "nóng  hổi" từ ly cà phê nhằm tuyên truyền cho đám phản chiến và CS, bôi nhọ QLVNCH.

Khi nói về tác phẩm, trong Thư Mời buổi ra mắt sách Hồi Ký của hai tác giả, BS Nguyễn Mạnh Tiến viết: "Đây là cuốn Hồi Ký với  người thật, việc thật, và có ấn bản tiếng Anh nhằm mục đích truyền đạt cho giới trẻ gốc Việt hiểu rõ thực-chất của chế độ Cộng  Sản và lý do tại sao hàng triệu người Việt phải liều chết chạy trốn Cộng Sản đi tìm tự do trên khắp thế giới. Cuốn sách này là  một tài liệu quí báu mà ai cũng nên có trong tủ sách gia đình, nhất là nếu muốn con em hiểu biết thêm về giai đoạn lịch sử đau  khổ mà thế hệ chúng ta đã phải trải qua."

BS Tiến chia sẻ - "Đây là một cuốn sách rất đáng đọc ... và bản tiếng Anh là một nổ lực rất cần thiết ... có giá trị hơn ở chổ  là truyền lại những kinh nghiệm đó để con cháu mình ... sẽ hiểu được những gian truân, khốn khổ, những nguy hiểm, những cam go  mà mình đã phải trải qua để ngày nay các con em có được cuộc sống ở một xứ sở tự do và tươi đẹp ...".

Ông Dương Phục và bà Vũ Thanh Thủy cho biết, Úc Châu là địa điểm đầu tiên vinh dự được chọn để cho ra mắt ấn bản tiếng Anh. Hai  tác giả (từ Houston, Texas) đã được nồng hậu chào đón trong một buổi ra mắt sách thật ấm cúng tại French Baguette Café  (Melbourne), Chủ Nhật 10/03/2019, do Lions Club of Melbourne Vietnamese và Hội Cựu Sinh Viên Việt Nam Úc Châu phối hợp tổ chức.  Và một buổi ra mắt sách thứ hai được tổ chức tại Trung Tâm Văn Hóa và Sinh Hoạt CĐ/NSW (Sydney) vào Thứ Bảy 16/03/2019.

Lồng vào buổi ra mắt sách có một vài tiết mục văn nghệ do cách anh chị em nghệ sĩ thân hữu đóng góp với những ca khúc mang mọi  người trở về một khung trời đầy kỷ niệm vui buồn, khổ đau, tủi nhục, đầy nghiệt ngã ... của người dân Miền Nam Việt Nam.

Nghị Sĩ Kiều Tiến Dũng (Quốc Hội Victoria) cho rằng đây là một tác phẩm "nói về cả chiều dài của lịch sử Việt Nam cận đại", một  tác phẩm "nói về [cuộc đời] riêng [tư] của cá nhân hai tác giả, nhưng đó [cũng] là chung, có nhiều điểm chung của tất cả chúng  ta". Khi nói về chủ trương phá hũy nền văn hóa Miền Nam qua các vụ đốt sách của CSVN, Nghị Sĩ Dũng nhấn mạnh - "Sách có thể đốt,  người có thể nhốt nhưng tinh thần của con người không thể nào khuất phục được".

Bà Tâm An (Cựu phát thanh viên của ban Việt ngữ SBS radio) chia sẽ - "Chúng ta cùng mang chung một cái tâm trạng bởi vì tất cả  mọi người ở đây đều có mặt trong cuốn sách đó - là những cựu quân nhân hay là những người vợ lính đã từng tần tảo đi thăm chồng  ở trong trại tù CSVN mà bà Vũ Thanh Thủy gọi là những hòn vọng phu thời đại mòn mõi chờ chồng trở về".

Nói về người chiến sĩ QLVNCH ngoài trận địa, bà Tâm An đã trích một lời nhận xét rất cảm động của tác giả Vũ Thanh Thủy - "Không  chiến binh nào quyết định hy sinh mạng sống của mình vì muốn làm anh hùng, họ hành động một cách bình thản vì đó là điều họ được  huấn luyện để hành xử ngoài mặt trận và đó là hành động phải làm của một chiến binh có lòng tự trọng. Nhưng dưới mắt nhìn của  người khác họ trở thành anh hùng ... Tôi nhận ra ngoài trận tuyến không phải là sự sống chết mà là vì lòng tự trọng."

Khí phách của bà Vũ Thanh Thủy khi bị bắt vì âm mưu giúp chồng trốn tù CSVN đã được bà Tâm An nhật xét - "Bà Vũ Thanh Thủy sợ  (bị tra tấn) nhưng không hèn". Đó chính là lòng dũng cảm của một anh thư nước Việt vốn mang dòng máu của hai Bà - Trưng Trắc,  Trưng Nhị.

Tiếp đến phần "địa ngục trần gian" ở hòn đảo Koh Kra, bà Tâm An thúc dục mọi người - "Đây là một câu chuyện phải đọc, đọc để  hiểu cái nổi đau đớn tột cùng của những nạn nhân, đọc để hiểu rằng chúng ta đã may mắn như thế nào khi không gặp hải tặc Thái  Lan ..."

Trong phần hỏi đáp, mặc dầu bị tắt tiếng vì đường xá xa xôi, vì thời tiết, khí hậu, giờ giấc thay đổi nhưng bà Vũ Thanh Thủy  cũng đã cố gắng trả lời mọi câu hỏi bằng cái giọng khàn khàn đầy cảm xúc. Mở lời, ông Dương Phục đã tự giễu về việc đi đứng khó  khăn của mình (vì bị stroke trong năm vừa rồi), và trong lúc tâm tình đã có những lúc ông thật sự xúc động khi phải nhắc lại  những giai đoạn đày đọa, đầy tủi nhục của cuộc sống trước đây cũng như khi được bất ngờ gặp lại những người bạn củ, có người sau  55 năm bây giờ mới gặp lại nhau. Theo lời kể của ông Dương Phục, ông và BS Tiến, hai người đã từng có mặt ở chiến trường An Lộc,  một chiến trường khốc liệt, đẫm máu, hào hùng nhất của quân sử VNCH với hai câu thơ bất hủ đã đi vào lịch sử - "An Lộc Địa sử  ghi chiến tích / Biệt Cách Dù Vị Quốc Vong Thân" (của cô giáo Pha).

Nhưng xót xa nhất là khi thấy ông Dương Phục đã uất ức, nghẹn ngào không cầm được nước mắt khi nói đến sự thiên vị, bất công  trắng trợn của đám truyền thông thiên tả đối với cuộc chiến tranh Việt Nam mà thiệt thòi nhất là các chiến sĩ QLVNCH.

MC Quốc Việt cho rằng - Tác phẩm hồi ký này là đứa con tinh thần, là cuộc đời của hai tác giả. Đứa con tinh thần này đã được  chính những người con đẻ của hai tác giả thúc dục để được khai sinh sau bao nhiêu năm chờ tháng đợi. Đúng như vậy, đây là một  tập hồi ký với những tình tiết "lâm ly, bi đát" về cuộc đời của hai người bạn đồng nghiệp rồi trở thành bạn đời và đã cùng nhau  chia sẻ bao nổi hiểm nguy, vào sinh ra tử trong khói lửa chiến tranh, bao tủi nhục, đọa đày, thống khổ trong nguc tù CSVN, và  bao nổi kinh hoàng, khiếp sợ, với cái chết gần kề cùng sự man rợ của hải tặc Thái Lan trên con đường vượt biển đi tìm tự do. Có  lẽ cái tựa sách đầy đủ phải là - "Chiến Tranh, Tình Yêu, Ngục Tù và Cái Giá Tự Do" ("War, Love, Gulag and The Price of  Freedom").

Thế hệ thứ nhất đọc ấn bản bằng tiếng Việt ("Tình Yêu, Ngục Tù & Vượt Biển") để thấy chính mình hay một phần của đời mình ở  trong đó. Thế hệ tiếp nối đọc ấn bản tiếng Anh ("Surviving The Vietnam War and Its Aftermath") để biết thêm, hiểu rõ về thế hệ  cha ông là những tấm gương can đảm trong chiến tranh và can trường trong chiến bại, đọc để tự hào và thấy rằng "anh hùng" không  ở đâu xa hay chỉ có trong phim ảnh, trong tiểu thuyết mà là ở ngay trong gia đình, trong cộng đồng người Việt, đó là những cha  anh của chính các con em hậu duệ người Việt tỵ nạn.

Melbourne
10/03/2019

(Ghi chú: Nếu có được những vị mạnh thường quân mua các ấn bảng tiếng Anh tặng cho (thư viện) các trương trung học thì chắc chắn  sẽ giúp cho các học sinh hiểu về cuộc chiến tranh Việt Nam, về con người, cuộc sống ở Miền Nam Việt Nam trước và sau ngày  30/04/1975, và các cuộc vượt biển đi tìm tự do đầy hiểm nguy, kinh hoàng để các con, em tự có câu trả lời - Tại sao lại có cộng  đồng người Việt tỵ nạn ở đây? Ưu điểm của cuốn hồi ký "Surviving The Vietnam War and Its Aftermath" là sự lôi cuốn về cuộc đời  thật (true story) của hai phóng viên chiến trường, là những nhân chứng sống, hấp dẫn hơn những bài học lịch sử khô khang mà đôi  khi còn có nhiều sai sót và thiên kiến.)

Một số hình ảnh của buổi ra mắt sách - https://photos.app.goo.gl/HJfHfq45GGWUh1CG7

 



















 

 

 

 

 

 

Số trang đã đọc

Articles View Hits
910806

Số độc giả đang đọc

We have 92 guests and no members online