• Sydney: Tưởng Niệm Ngày 30 tháng Tư năm 2023

  • Melbourne: Viện Bảo Tàng Việt Nam Tái Khởi Công ngày 26-02-2022

  • Sydney: Lễ Tưởng niệm Thiếu Tướng Lê Minh Đảo ngày 19-03-2022

  • Wollongong: Diễn hành Ngày ANZAC - 25-04-2022

  • Sydney: Tưởng Niệm Ngày 30 tháng Tư năm 2022

  • Ngày Quân Lực 19/06/2019 ở San Diego

  • Canberra: 44 năm Quốc Hận - 30/04/2019

  • Canberra: 44 năm Quốc Hận - 30/04/2019

Copyright 2024 - Người Việt Ly Hương - Úc Châu

Lễ Tưởng Niệm Đệ Ngũ Tăng Thống Hòa Thượng Thích Quảng Độ

Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu (CĐNVTD-ÚC) ra thông báo sẽ tổ chức buổi Lễ Tưởng Niêm Đệ Ngũ Tăng Thống Đại Lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ trong tuần lễ Tam Thất vào chiều thứ Bảy ngày 14/03/2020, nhưng chưa đầy 24 giờ trước đó, vì quan tâm đến sự an toàn, sức khoẻ cho đồng bào trong tình trạng lây lan của siêu vi trùng Corona, CĐNVTD-ÚC đã ra một thông báo thứ hai kêu gọi đồng bào hãy ở nhà hoặc nếu muốn tham dự thì phải "tẩy trùng và sử dụng dụng cụ bảo vệ cá nhân". Và buổi lễ đã được livestream từ 3 góc cạnh khác nhau giúp cho đồng bào ở nhà có thể theo dõi với đầy đủ hình ảnh của buổi lễ.

Đáp ứng lời kêu gọi của CĐNVTD-ÚC, số người tham dự không đông nhưng thật vinh dự cho BTC với thành phần quan khách gồm có - Hòa Thượng Thích Bảo Lạc (Hội Chủ Giáo Hội Phật Giáo Viêt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan, đến từ Sydney), Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng (Tổng Thư Ký kiêm Tổng Vụ Phó Tổng Vụ Hoằng Pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan, Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức, Victoria), Thầy Thích Kiên Trú (Trụ Trì Tu Viện Phật Đà, Brisbane, Queensland), ông Trần Khánh Dư (PGHH, Victoria), Chánh Trị Sự Nguyễn Thanh Xuân (Cao Đài), ông Jim Short (Cựu Dân Biểu/Nghị Sĩ Quốc Hội Victoria), Nghị Sĩ Kiều Tiến Dũng (Quốc Hội Victoria), BS Bùi Trọng Cường (Chủ Tịch CĐNVTD/QLD), ông Steve Lowe (Cựu Chiến Binh Úc, Victoria), và một số các vị đại diện các hội đoàn, đoàn thể, tổ chức trong cộng đồng.

Thêm vào đó, MC của buổi lễ là cô Phượng Vỹ (Chủ Tịch Ủy Ban Đa Văn Hóa Sự Vụ Victoria) đã nói lên sự trang trọng và lòng tôn kính mà CĐNVTD-ÚC và VIC dành cho Ngài Đại Lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ. Cô Phượng Vỹ cho rằng - "Cầu nguyện cho Ngài cũng là cầu nguyện cho một Việt Nam tự do, dân chủ, một Việt Nam tự do tín ngưỡng và để tri ân tinh thần đấu tranh của Ngài."

Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGTNVN, là bậc cao tăng đã suốt đời hy sinh, cống hiến cho tiền đồ đạo pháp và dân tộc. Sự cống hiến của Ngài Đệ Ngũ Tăng Thống được đồng bào trong và ngoài nước biết đến và kính trọng như một bậc tu hành đặt quyền lợi của dân tộc, tổ quốc và đạo pháp lên trên hết. Ngài đã viên tịch vào ngày 22 tháng 1 năm 2020, tức ngày 29 tháng Giêng năm Canh Tý tại Sài Gòn, Việt Nam.

Ông Nguyễn Thế Phong, Đại diện cho Ban Quản Trị Đền Thờ Quốc Tổ, đã nhắc lại buổi ra mắt tập "Thơ Tù" của Hòa Thượng Thích Quảng Độ cũng được tổ chức tại Đền Thờ cách đây hơn 10 năm. Cũng từ ngày đó Đền Thờ đã có tấm ảnh của Ngài và được trân quý đặt tại đây để nhắc nhở mọi người về một tấm gương sáng tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền với một tinh thần bất khuất.

Cô Như Hoàng sơ lược về tiểu sử của Đại Lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ qua từng giai đoạn. Xuất thân từ một gia đình nghề nông, xuất gia vào lúc 14 tuổi, di cư vào Nam năm 1954, và bắt đầu bước vào thời kỳ hành đạo dưới thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, rồi đến thời gian sau ngày 30 tháng Tư, 1975 là những năm tháng bị quản thúc, tù đày nghiệt ngã. Cô Như Hoàng đã kết thúc phần tiểu sử của Ngài bằng 4 câu thơ trích trong tập "Thơ Tù" nói lên tinh thần an nhiên tự tại của Ngài trong những ngày tháng ngục tù -

Màn đêm dày đặc phủ xà lim
Có vật gì rơi giữa khoảng im
Lắng mãi tôi nghe rồi mới biết
Thì ra tiếng động của con tim.

(Xin đọc trọn phần tiểu sử của Đại Lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ đính kèm bên dưới)

Cô Phượng Vỹ cũng đã nhắc tới ngày 04/03/2020 vừa qua, Đại Lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ đã được vinh danh và tưởng niệm tại Quốc Hội Victoria qua lời phát biểu của Dân Biểu Luke Donnellan (https://youtu.be/cvjS3fyVh8U) tại Hạ Viện và Nghĩ Sĩ Kiều Tiến Dũng (https://youtu.be/V4ypdWQY_aU) tại Thượng Viện.

Hòa Thượng Thích Bảo Lạc nói rằng - "Buổi lễ hôm nay nói lên tầm mức quan trọng của sự kiện một Người ra đi, ..., Ngài sống một cuộc đời 93 năm đã cống hiến trọn vẹn cho dân tộc, cho đạp pháp." Hòa Thượng nói tiếp - "Trong lời mở đầu Hiến Chương của GHPVNTN có câu: GHPVNTN không đặt mình trong vị thế cá biệt mà đặt mình trong sự tồn tại của dân tộc và nhân loại, ..., và Hòa Thượng Thích Quảng Độ là một nhân vật đặc biệt đã thể hiện lý tưởng đó trọn đời của Ngài", và xin tóm lược 3 không của Ngài Hòa Thượng Thích Quảng Độ - (1) Không khuất phục trước thế lực, trước bạo quyền, trước sự đàn áp nghiệt ngã, dã man của chế độ độc tài CSVN, ... (2) Không ra đi để được hưởng tự do cho riêng mình mà nhất quyết ở lại với dân tộc, đồng bào, quê hương, xứ sở, ... (3) Ngài không có chùa cũng không có đệ tử. Sau cùng Hòa Thượng Thích Bảo Lạc cho rằng - "Hôm nay chúng ta làm lễ tưởng niệm để cho tất cả những thế hệ con cháu người Việt ở nước ngoài hãy xứng đáng là những người con dân của tổ quốc, của tiền nhân, ..."

Ông Trần Khánh Dư cho biết ông là sinh viên trường Đại Học Vạn Hạnh là nơi mà Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ đã từng giảng dạy và Ngài là một trong những "cây cổ thụ của Phật Giáo Việt Nam". Để ca ngợi cuộc đời của Ngài, ông Dư đã nói về giai thoại đái dầm của Ngài mà do chính Ngài kể lại qua một bài thơ có tựa đề "Cái bánh bao" mang tính hài hước, chua cay, vô úy và châm biếm chế độ CSVN.

Cái bánh bao

Không có cái gì quý hơn cái bánh bao
Ăn ngon miệng, trông đẹp mắt làm sao!
Đang cơn đói ruột như cào
Bếp cho một cái, xực vào sướng ghê.
Bây giờ cái bụng căng thẳng no nê
Lim dim cặp mắt đi vào cõi mê
Nhưng lạ thay
Tỉnh dậy nghe mùi khê khê
Và băng-ta-lông thấy dầm dề
Đúng rồi!
Thì ra tôi đã tê rê ra quần
Táo quân ơi hỡi táo quân
Tự do hạnh phúc có ngần ấy thôi!

Chánh Trị Sự Nguyễn Thanh Xuân xác định - "Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ là một tấm gương sáng, tranh đấu bất bạo động, kiên cường, bất khuất, thể hiện được đạo hạnh của một người tu hành, có đầy đủ những đức tính cao cả - bi, trí, dũng trong tinh thần của Phật học, ... Cả cuộc đời của Ngài phải sống trong lao tù CSVN, ..., điều đó đã chứng minh Ngài Thích Quảng Độ là một người tu chân chính gìn giữ đạo pháp, xã thân vì đạo, vì đời, cho tự do, dân chủ, nhân quyền Việt Nam, ..."

Sau mỗi phần phát biểu của các vị đại diện/lãnh đạo tinh thần tôn giáo - Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, ông Trần Khánh Dư (PGHH), Chánh Trị Sự Nguyễn Thanh Xuân (Cao Đài), là phần cầu siêu, tưởng niệm theo nghi thức tôn giáo.

Ông Jim Short, Cựu Nghị Sĩ dưới thời Cố Thủ Tướng Malcom Fraser, cùng với cựu Bộ Trưởng Philip Ruddock đã thành lập Uỷ Ban Quốc Tế Yễm Trợ Việt Nam Tự Do và đã gặp được Hòa Thượng Thích Quảng Độ vào năm 1993, cho rằng - Hòa Thượng Thích Quảng Độ là một nhà lãnh đạo tinh thần đã không ngừng tranh đấu cho tự do tôn giáo tại Việt Nam. Hòa Thượng Thích Quảng Độ là một con người phi thường đã cống hiến cả cuộc đời đấu tranh chống lại sự đàn áp tôn giáo và trong 45 năm qua Ngài đã cương quyết tranh đấu để bảo vệ GHPGVNTN chống lại sự bức hại của CSVN mặc dầu bị tù đày hay bị quản thúc tại gia. Với tinh thần bất khuất ấy Ngài đã nhận được sự kính trọng và ngưỡng mộ của thế giới và đã được đề cử Giải Nobel Hòa Bình vào năm 1998. Cuộc gặp gỡ với Hòa Thượng Thích Quảng Độ ở ngay trong tù đã để lại cho ông những cảm xúc khó quên. Đối với ông sự can đảm, sâu sắc, sáng suốt và lòng từ bi của Ngài là một tấm gương sáng, một ngọn hải đăng cho niềm hy vọng. Sự ra đi của Ngài là một mất mát lớn lao cho GHPGVNTN và thế giới - GHPGVNTN đã mất đi một nhà lãnh đạo tài bà, đức độ và thế giới đã mất đi một con người đầy lòng từ bi, khiêm tốn, can đảm và sáng niềm tin. Ngài đã để lại một di sản vô cùng quý giá mà cho chúng ta cần phải bảo vệ và noi theo.

Nghị Sĩ Kiều Tiến Dũng (Quốc Hội Victoria) nhắc lại rằng ông và Dân Biểu Luke Donnellan đã có những lời phát biểu để vinh danh và tưởng niệm Ngài Hòa Thượng Thích Quảng Độ tại Quốc Hội Victoria vào ngày 04/03/2020. Vì thời gian phát biểu có hạn nhưng ông đã cố gắng đưa ra những điểm chính về Ngài - tinh thần tranh đấu, những giải thưởng cao quý, những ngày tháng tù đày. Nhưng quan trọng hơn hết, đối với ông Dũng, là Ngài đã sống một cuộc đời như thế nào và đã làm được những gì cho bản thân, cho xã hội, cho đất nước, cho đạo pháp - Ngài là một tấm gương sáng về bi, trí, dũng và tinh thần vô úy.

Cô Phượng Vỹ, trong vai trò Chủ Tịch Ủy Ban Đa Văn Hóa Sự Vụ Victoria, chia sẻ - "Tôn giáo giữ một vài trò vô cùng quan trọng, ..., dù là theo tôn giáo nào chúng ta mỗi người Việt trước tiên là một con dân Việt, ..., Tự do tôn giáo và nhân quyền luôn gắn liền với người Việt và công cuộc tranh đấu không ngừng nghĩ của Đệ Ngũ Tăng Thống Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ là một biểu tượng của sự tự do mà mỗi người Việt trong và ngoài nước bất kể tôn giáo nào đều mong muốn có được càng sớm trên quê hương Việt Nam, ..., 45 năm xa quê hương, 45 nhớ nguồn và 45 năm chúng ta chỉ có một giấc mơ giống như giấc mơ của Hòa Thượng Thích Quảng Độ đó là mong muốn được thực sự tự do, dân chủ và tự do tôn giáo tại quê hương Việt Nam. Cầu xin Ngài phù hộ cho dân tộc Việt Nam để giấc mơ đó sớm được thành tựu."

BS Bùi Trọng Cường (Chủ Tịch CĐNVTD/QLD) bày tỏ lòng "kính phục sự hy sinh cho đạo pháp, dân tộc và tự do tôn giáo của Ngài cho quê hương Việt Nam. Và là một người Việt Nam, một phần tử hiện nay đang sống lưu vong tại hải ngoại, chúng tôi nguyện sẽ noi gương ngài để làm sao cho chúng ta tránh được cái thảm họa Bắc thuộc cũng như những chính sách diệt chủng của TC, VC và ngăn chặn được sự xâm nhập của CS tại Úc Châu."

Ông Nguyễn văn Bon (Chủ Tịch CĐNVTD Liên Bang và VIC) chia sẻ cảm nghĩ về con người Đại Hiếu của Ngài qua việc chia phần cơm tù của mình cho mẹ Ngài, về con người Đại Trí của Ngài khi Ngài, sau khi ra tù, đã phải dịch lại từ đầu 9 bộ kinh vì đã bị CSVN cướp mất toàn bộ công trình dịch thuật mà Ngài đã thực hiện trong tù, về con người Đại Dũng của Ngài khi Ngài từ chối không gia nhập GHPG quốc doanh của CSVN. Ông Bon nói tiếp - "Ba yếu tố - Đại Hiếu, Đại Trí, Đại Dũng, ..., là những yếu tố đã có trong con người Việt Nam, ..., mặc dầu là các vị tu hành nhưng lúc nào cũng đặt quyền lợi của tổ quốc và dân tộc Việt Nam bên cạnh đạo pháp."

Kế tiếp, ông Nguyễn Thế Phong và ông Nguyễn văn Bon đã thành kính làm lễ tưởng niệm theo nghi thức truyền thống để bày tỏ lòng tri ân và ngưỡng mộ của cộng đồng người Việt đối với Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ qua một bài điếu văn nói lên lòng thương tiếc đối với "một biểu tượng của sự bất khuất, của can đảm, của hy sinh, của lẽ phải, của sự thật và của quyền làm con người. Và trên hết là biểu tượng của lòng yêu nước thương nòi, chống tà quyền CSVN bán đất, nhượng biển và chủ quyền của toàn dân Việt Nam cho TC. Uy dũng thay, bất khuất thay tinh thần Thích Quảng Độ! Vì nước Ngài quên mình, đặt quyền lợi của tôn giáo dưới quyền lợi của tổ quốc và dân tộc, ..."

Sau cùng là phần dâng hương của quan khách, đồng bào và lễ an vị di ảnh của Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ với một tấm bản đồng có ghi các hàng chữ sau đây:

"In Memory of The Most Memorable Thich Quang Do (1928 -2020), The Fifth Patriarch of The United Buddhist Church of Vietnam Who spent the last 45 years of his life in prison and in house arrest by the communist regime. His indomitable spirit and patriotic stance had inspired other faith leaders and the people of Vietnam to stand up together fighting for Freedom, Democracy and Territory Integrity of Vietnam."

Nói đến buổi ra mắt tập "Thơ Tù" của Hòa Thượng Thích Quảng Độ được tổ chức tại Đền Thờ Quốc Tổ vào năm 2009, đó là một sự kiện quan trọng lúc bấy giờ với sự tham dự rất đông đảo của quan khách, đồng bào, các vị lãnh đạo tinh thần tôn giáo, đại diện chính quyền địa phương, đặc biệt là cô Ỷ Lan và GS Võ văn Ái đến từ Pháp Quốc.

"Thơ Tù" là những bài thơ được ghi lại theo trí nhớ trong số hàng trăm bài được sáng tác trong thời kỳ Hòa thượng Thích Quảng Độ bị giam cầm ở Sài Gòn và thời kỳ lưu đày tại xã Vũ Đoài, tỉnh Thái Bình, miền Bắc, từ 1977 đến 1992. Và "Mất Gốc" là một trong những bài thơ tiểu biểu nói lên Tinh Thần Thích Quảng Độ:

Mất Gốc
Tây chẳng phải Tây Đông chẳng Đông
Quỉ quái sinh ra lũ cuồng ngông
Mồ mả Tổ tiên cày xới hết
Đình chùa miếu mạo phá bằng không
Ông bà xem nhẹ hơn con lợn
Bố mẹ coi như khúc gỗ thông
Phảng phất non sông hồn Lạc Việt
Bốn nghìn tuổi sử tủi hay không?

Hiện có một nổi lo âu về sự "thiếu vắng" lòng yêu nước nhưng bài thơ họa với tựa đề "Còn Đây" (bên dưới) đã nói lên chí khí tiềm tàng của con dân nước Việt mạnh dạn tiếp nối Tinh Thần Thích Quảng Độ, và như một lời thề với Tổ Quốc rằng "Mẹ Việt Nam Ơi! Chúng Con Vẫn Còn Đây":

Còn Đây (bài thơ họa)

Giặc Tàu phương bắc chiếm biển đông
"Đỉnh cao trí tuệ" lũ cuồng ngông
Giang sơn, đất, biển đem dâng hết
Tham quyền cố vị, trí rổng không
Hèn hạ ngu si như con lợn
Cầu xin vận nước sẽ hanh thông
Chúng con còn đây, ơi Mẹ Việt! (*)
Ta xem cái chết tựa như không!

Melbourne
14/03/2020

Một số hình ảnh buổi lễ tưởng niệm HT Thích Quảng Độ - https://photos.app.goo.gl/7BZsVQB3iB6vAbDDA

Hình ảnh buổi ra mắt tập "Thơ Tù" của HT Thích Quảng Độ - https://photos.app.goo.gl/p6WZd6RRjNA5U5na8

(*) Mẹ Việt Nam Ơi! Chúng Con Vẩn Còn Đây

(Nhạc Nguyễn Ánh 9, thơ Hoàng Phong Linh Võ Đại Tôn)

https://www.youtube.com/watch?v=xsalaDilZVU

 

 





























 

===

 

Tiểu Sử Đại Trưởng Lão - Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Đệ Ngũ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (1928 - 2020)

Thân thế

Hòa thượng Thích Quảng Độ, thế danh Đặng Phúc Tuệ, sinh ngày 27 tháng 11 năm 1928, nhằm 16 tháng 10 năm Mậu Thìn, tại xã Nam Thanh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, trong một gia đình làm nghề nông, theo Nho học, kính tin Phật Pháp.

Thân phụ Ngài là cụ ông Đặng Phúc Thiều, tự Minh Viễn, thân mẫu là cụ bà Đào Thị Huân, Pháp danh Diệu Hương, hiệu Đàm Tĩnh,  Ngài có hai anh trai, người anh cả là Đặng Phúc Trinh, người  anh thứ là Đặng Phúc Quang và Ngài là người em út.

Xuất Gia tu học

Năm 1934, Ngài theo học trường làng, đến năm 1942 - lúc 14 tuổi  xuất gia với Hòa thượng Thích Đức Hải, Trụ trì chùa Linh Quang, thôn Thanh Sam, xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, với pháp danh Quảng Độ, sau đó được Thầy  Bổn Sư  gởi đến tu học tại Phật học viện - Quán Sứ Hà Nội.

Năm 1944, lúc 16 tuổi Ngài thọ giới Sa di, và năm 1947 đăng đàn thọ Cụ túc giới .
Năm 1952, Tổng hội Phật giáo Việt Nam được thành lập tại Bắc Việt do Hòa Thượng Thích Trí Hải là Tri Sự Trưởng, đả cử HT Quảng Độ đi du học ở Tích Lan.

Ngài di cư vào Nam năm 1954,  sau đó  sang Ấn độ cùng với quý Ngài Thích Minh Châu, Thích Quảng Liên, Thích Trí Không và Thích Huyền Dung, vì vậy HT Quảng Độ có dịp đi chiêm bái, tìm hiểu thêm về các Phật tích và di tích Phật giáo tại Nepal, Bhutan và Tây Tạng.

Thời kỳ hành đạo

Năm 1958, Ngài trở về Sài Gòn, vì  thông thạo Anh văn và Hán văn, Ngài  chuyên dịch Kinh sách và dạy học tại
•    Phật học viện Từ Nghiêm,
•    Phật học viện Dược Sư,
•    Viện đại học Vạn Hạnh (Saigon),
•    Viện đại học Hòa Hảo (An Giang)..v.v…

Trong chiến dịch Nước Lũ đêm 20 tháng 8 năm 1963, Ngài bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt cùng hơn 2,000 Tăng Ni, Phật tử trên toàn quốc, nhất là tại Sài Gòn và Huế, và bị tra tấn dữ dội.
 
Năm 1972, Hòa Thượng là Phát ngôn nhân - kiêm Thanh tra của Viện Hóa Đạo Giáo Hội PGVN Thống Nhất.

Tháng 11 năm 1973, tại Đại hội kỳ 5 công cử Ngài giữ chức Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.

Sau tháng 4 – 1975, vì không chịu để cho nhà nước Cộng Sản giám sát Giáo hội, Ngài đã soạn thảo, tập hợp nhiều tài liệu gởi đến chính quyền CSVN để tố cáo nhiều hình thức bạo hành và đàn áp Giáo Hội, Vì thế nên Ngài cùng với HT Huyền Quang và 5 Giáo phẩm cao/trung cấp khác ở Viện Hóa Đạo, đã bị chính quyền csvn bắt giam từ tháng 4/1977 đến tháng 12/1978. Ngài được tha bổng sau một phiên tòa tại Sài Gòn vì  nhờ sự can thiệp và áp lực của chính giới và truyền thông Âu Châu, sau chuyến đi Pháp đầu tiên của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng.

Năm 1982, Ngài và Mẫu thân bị trục xuất khỏi Sài Gòn, cưỡng bách an trí tại nguyên quán là xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, Thái Bình, Ngài cho biết về mẫu thân  như sau: “Đến ngày 10.2.1982 thì mẹ tôi cũng bị cộng sản bắt đưa ra xã Vũ Đoài để đày cùng với tôi -  không biết vì tội gì, và mẹ tôi đã chết một cách thê thảm vào tháng 1 năm 1985, vì quá thiếu thốn và rét mướt. Còn lại một mình tôi, tôi thấy không thể để cho mình cứ tiếp tục bị đày ải một cách vô tội, vô thời hạn, vô lương tâm, nên ngày 22.3.1992 (tức đã bị đày 10 năm 27 ngày), sau khi báo cho bộ Công an ở Hà Nội biết, tôi đã trở về Sài Gòn và đến nơi vào ngày 25.3.1992”.

Về lại Sài Gòn, ngày 19 tháng 8 năm 1994, với tinh thần vô úy của người xuất gia, Ngài viết thư và gởi  cho Đỗ-Mười, Tổng Bí thư đảng csvn, một tập nhận định về những sai lầm tai hại của Đảng Cộng Sản Việt Nam đối với dân tộc và Phật Giáo Việt Nam.
…..
Tháng 11/1994, khi đồng bằng sông Cửu Long chìm đắm trong trận lũ  lụt bất ngờ làm khoảng 400 người thiệt mạng. Đại diện GHPGVNTN, Ngài cùng với các tăng sĩ, cư sĩ đã tham gia cứu trợ đồng bào nhưng sau đó đã bị bắt vào mùng 4 Tháng Giêng 1995, và bị giam trong trại trên đường Nguyễn Văn Cừ , Sài Gòn.

Tháng 8 năm 1995,  Ngài cùng các vị Thích Không Tánh, Thích Đồng Ngọc, Thích  Nhật Thường, và Thích Trí Lực bị tuyên án 5 năm tù giam và 5 năm quản chế về tội "phá hoại chính sách đoàn kết và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước".  Nhân dịp Quốc khánh 2-9-1998, Ngài đươc nhà nuớc csvn ân xá, tha tù trước thời hạn, và trả về nơi cư trú cũ tại Thanh Minh Thiền viện. Theo đài RFA dưới áp lực từ Hoa Kỳ, Hòa thượng được trả tự do và bị yêu cầu phải đi tỵ nạn tại Mỹ, nhưng Ngài từ chối và nói rằng: “Tôi phải ở lại trong nước với quần chúng Phật tử”. Tuy mang tiếng là được thả ra, nhưng thực chất Hòa Thượng vẫn bị quản thúc và cấm thuyết pháp. Có một đồn công an nằm trước Thanh Minh Thiền Viện giám sát và gây khó khăn cho người ra vào thiền viện.

Đầu năm 1999, Ngài ra Quảng Ngãi thăm Hòa thượng Thích Huyền Quang đang bị lưu đày chỉ trong ba ngày, sau Ngài đó bị công an thẩm vấn. Tháng Hai năm 2001, Ngài chính thức bị giam giữ tại nhà vì chống lệnh quản chế.

Tháng 10/2003, sau khi nhà nước cs  bỏ lệnh quản chế, Ngài Thích Quảng Độ đã mạo hiểm đưa HT Thích Huyền Quang từ Bình Định vào Saigon để chữa bệnh. Trên đường đi, chuyến xe chở hai người bị công an giữ lại trên Quốc lộ 1A vì bị cho là mang theo bí mật nhà nước,  khoảng 200 tăng, ni và hơn 1.000 phật tử từ các ngôi chùa lân cận đã biểu tình để bảo vệ hai vị.

Năm 2003, trong phiên Đại Hội Đặc Biệt của GHPGVNTN tổ chức tại Tu viện Nguyên Thiều, Bình Định, ĐH cung cử Ngài Huyển Quang vào tôn vị Tăng Thống, còn Ngài được cung cử vào vị trí Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN.

Cũng vào năm 2003, Hòa thượng Thích Quảng Độ được Tổ chức People in Need, Cộng hòa Tiệp Khắc trao giải thưởng Homo Homini vì những hoạt động bảo vệ nhân quyền, tự do dân chủ và tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Năm 2006, Hòa Thượng được trao Giải Thorolf Rafto vì đã "dũng cảm và kiên trì chống đối ôn hòa chế độ Cộng sản Việt Nam".

Năm 2007 Ngài cũng từng bị bắt giam trở lại sau khi phát động các hoạt động nhân đạo cứu trợ cho đồng bào sông Cửu Long bị bão lụt.

Thưa quý vị, Hòa thượng Thích Quảng Độ là nhà lãnh đạo dũng mãnh không chùn bước trước thế quyền, dõng dạc đòi quyền tự do sinh hoạt của GHPGVNTN từ sau năm 1975, nên nhiều lần bị tù đầy và quản thúc. Vì thế từ năm 1978 rất nhiều lần, Ngài đã được đề nghị giải Nobel Hòa Binh, vào năm 200, 60 nghị sĩ quốc hội châu Âu từ các nước như Pháp, Anh và Ba Lan, thống nhất đề cử ngài giải Nobel Hòa Bình.

Cũng vào năm 2008, sau khi hòa thượng Thích Huyền Quang viên tịch, theo chúc thư để lại thì Hòa thượng Thích Quảng Độ được ủy thác thừa - đương tôn vị -  Đức Tăng Thống thứ năm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Trong khi chờ chính thức suy tôn, Ngài là Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống.

Tháng 11 năm 2011 trong Đại hội kỳ 9 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tổ chức tại Chùa Điều Ngự, Westminter, California, Hoa Kỳ, Hòa Thượng chính thức được suy tôn Đệ ngũ Tăng thống của Giáo Hội.

Sau 20 năm lưu trú tại Thanh Minh Thiền Viện, cuối năm 2018, vị Trụ trì Thiền viện này đã gây sức ép để Hòa Thượng phải rời đi. Ngày 15 tháng 9 năm 2018, HT Thích Quảng Độ đã phải rời khỏi Thiền viện, tá túc tại một số ngôi chùa; và ngày 5 tháng 10 năm 2018 lên tàu về quê ở Thái Bình. Đến ngày 18 tháng 11 năm 2018 thì Ngài trở lại Sài Gòn và đến ngụ tại chùa Từ Hiếu, Quận 8 cho đến ngày viên tịch.

Về sự nghiệp đóng góp cho văn hóa và Phật Pháp, Đại lão HT Thích Quãng Độ là một học giả uyên bác, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu thâm sâu về Phật học, điển hình là:

•    Ðại thừa Phật giáo tư tưởng luận,
•    Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận,
•    Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận,
•    Từ điển Phật học Hán Việt,

Đặc biệt là bộ Phật Quang Đại từ điển -  gồm 9 cuốn được dịch trong những năm bị giam giử trong tù, ngoài ra, Ngài còn là dịch giả của một số tác phẩm Phật học và văn học Phật giáo từ Hán văn và Anh ngữ.

Thưa quý vị, hơn nửa cuộc đời của Ngài là lao tù và quản thúc tại gia, với những thâm trầm vấn nạn, và oan khiên của đạo Pháp và dân tộc. Khi từ còn là một sa di lúc 15 tuổi, năm 1945 ngài đã chứng kiến cảnh Thầy bổn sư  HT Thích Đức Hải,  bị tố và xử bắn về tội “Việt Gian” chỉ vì lý do cứu  giúp đở người nghèo đói.

Năm 1946, Bác của Ngài là hòa thượng Thích Đại Hải, trụ trì chùa Pháp Vân (chùa Dâu) ở tỉnh Bắc Ninh, cũng bị Việt Minh bắt và sau đó đã chết về tội “Đảng viên Quốc Dân Đảng”, Thân mẫu Ngài bị tù đày và mất trong trại giam tại Thái Bình vì thiếu thốn và rét mướt. Tuy nhiên qua những cuộc phỏng vấn gặp gở các nhà ngoại giao, và báo chí ngoại quốc, Ngài không bao giờ lên tiếng oán hay thù hận về những bản án, và đàn áp do nhà nước csvn đã dành cho ngài suốt nhiều thập niên qua.

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đã thuận thế vô thường -  an nhiên viên tịch tại Phương trượng Chùa Từ Hiếu, Sài Gòn lúc 21 giờ 30 phút ngày 22 tháng 2 năm 2020, nhằm ngày 29 tháng Giêng năm Canh Tý, Phật lịch 2563, trụ thế 93 năm và 73 hạ lạp.

Theo di huấn của cố Đại Lão Hòa Thượng là tổ chức tang lễ đơn sơ, không để quá 3 ngày, sau khi hỏa táng thì rải tro cốt xuống biển.

Trải suốt cuộc đời gần một thế kỷ, từ khi xuất gia, hành đạo cho đến lúc viên tịch, với  tinh thần vô úy của một vị Bồ Tát tại nhân gian, Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ đã nỗ lực không ngừng trong công cuộc xiển dương đạo pháp. Cuộc đời Ngài là một tấm gương sáng ngời về đạo hạnh, và sự nghiệp hoằng hóa của Ngài xứng đáng cho Tăng Ni và Phật tử noi theo.

Ngày nay dù sắc thân của Ngài không còn nữa, nhưng pháp thân và sự nghiệp hoằng hóa của Ngài sẽ mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho Tăng Ni Phật tử Việt Nam ở hiện tại và mai sau.
Thưa qúy vị, trước đây hơn một thập niên qua cũng tại ĐTQT, Melbourne, lễ ra mắt tập Thơ Tù của Ngài đã được long trọng tổ chức tại đây, tập thơ gồm 138 bài trích từ hai tập “Thơ trong Tù” và  “Thơ Lưu Đày”, được ngài sáng tác vào những năm lao tù và lưu đày (1977 – 1992), sau khi ra tù  đã được ngài nhớ trong ký ức và viết lại.

Kính thưa Hòa Thượng Hội Chủ Thích Bảo Lạc, Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng và quý quan khách.

Hôm nay là lễ tam thất, để tưởng nhớ đến Công Đức Cao Dầy của Đại Trưởng Lão - Hòa Thượng THÍCH QUẢNG ĐỘ, Đệ Ngũ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, một vị Cao tăng Xuất Chúng.

Kính mời quý vị, nghe lại bốn câu thơ, diển tả lại tâm trạng của Ngài, trong những ngày tháng lao tù, chung quanh là bóng đêm, và đối diện với xà lim.

Màn đêm dày đặc phủ xà lim
Có vật gì rơi giữa khoảng im
Lắng mãi - tôi nghe rồi mới biết
Thì ra - tiếng động của con tim.

Nam Mô Tân Viên Tịch - Ma Ha Tỷ Kheo Bồ Tát Giới,
Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội.

Nguyên Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Đệ Ngũ Tăng Thống, húy thượng Quảng hạ Độ,  Đại Lão Hòa Thượng Giác Linh thùy từ chứng giám.

Như Hoàng

 

Số trang đã đọc

Articles View Hits
915632

Số độc giả đang đọc

We have 138 guests and no members online